Đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vẫn là giải pháp đúng đắn.

Chiều 10/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng - ảnh 1Các đại biểu thảo luận tại tổ. - Ảnh TTXVN

Các đại biểu Quốc hội đánh giá các báo cáo được xây dựng công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung có tầm chiến lược, khái quát cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước. Các đại biểu nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025 - 2030 tầm nhìn đến 2045 để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa được nhấn mạnh tại dự thảo Báo cáo chính trị.

Đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, đa số các ý kiến cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới đang khủng hoảng, Việt Nam thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, là giải pháp đúng đắn.

Ông Huỳnh Thanh Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, cho biết:  “Để phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta mở rộng thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm thị trường mới dựa vào lợi thế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký. Có chính sách thu hút vốn đầu tư, chuyển đổi công nghệ từ các đối tác lớn có sự dịch chuyển trên thế giới như hiện nay một cách hợp lý, chọn lọc. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19.”

Các đại biểu Quốc hội đều khẳng định nội dung dự thảo các báo cáo đã phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân về tất cả các lĩnh vực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu