Sáng 30/10, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Ý kiến thảo luận của các đại biểu cho rằng cơ cấu lại nền kinh tế phải tháo gỡ được những nút thắt. Do đó, nên quan tâm tập trung xác định "nút thắt" của nền kinh tế, của ngành, của địa phương mình, từ đó đưa ra những chính sách cụ thể, khả thi để khơi thông, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh, nhận định cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với việc kiểm soát dịch bệnh. Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang nằm trong tốp cao của thế giới. Do đó sẽ bị ảnh hưởng nhiều chiều, tác động bất định bởi nhiều yếu tố: “Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó không để kinh tế vĩ mô bất ổn. Trong vấn đề về cơ cấu lại đầu tư công, dịch vụ công, cần rà soát, chỉ ra các nguyên nhân việc giải ngân đầu tư công. Tôi cũng đề nghị Chính phủ duy trì tổ hỗ trợ phản ứng nhanh giúp cho các tỉnh, thành trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Về phân bổ vốn đầu tư, cần thực hiện theo đúng mục tiêu: ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, cho liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn thành phố Hà Nội, cho rằng cơ cấu lại nền kinh tế chính là việc làm thay đổi về quy mô, tốc độ và trình độ phát triển của các ngành cũng như các lĩnh vực các vùng, các thành phần kinh tế: “Để trở thành một quốc gia hùng cường, phải dựa trên các trụ cột hoặc là phải có tập đoàn kinh tế mạnh để không chỉ làm chủ kinh tế trong nước mà còn vươn ra là làm chủ thống lĩnh trên thế giới hoặc phải nắm được các yết hầu về kinh tế thế giới. Vậy cần thiết phải tạo dựng nên các cơ chế hình thành các tập đoàn trong nước mạnh để làm trụ cột trong lĩnh vực như công nghiệp đường sắt, công nghiệp về vận tải, hậu cần biển để tạo ra thế chủ động. Tác động của đại dịch, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế. Rất cần thiết phải có cơ chế đột phá để thay đổi các phương thức đầu tư chứ không phải là thực hiện các biện pháp thông thường”.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất chú trọng cơ cấu lại thị trường lao động, xây dựng cụ thể mô hình cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam.
Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận là việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp; và quản lý, sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: Quốc hội |
Các đại biểu đề nghị ngay sau khi Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Chính phủ nhanh chóng phê duyệt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất các tỉnh, thành phố để địa phương có căn cứ duyệt quy hoạch kế hoạch đất cấp huyện; thu hồi cũng như chuyển mục đích sử dụng đất.
Đại biểu Hà Sỹ Huân phát biểu tại điểm cầu Bắc Kạn |
Chiều 30/10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường có cuộc trao đổi với báo chí, cho biết đợt 1 đã diễn ra cơ bản thành công tốt đẹp và dự kiến trong đợt 2, Thủ tướng Chính phủ và 4 Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Hoạt động chất vấn Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, gồm: ngày 10/11, ngày 11/11 và sáng 12/11.