Chủ tịch Quốc hội: Phát triển ngành du lịch quan trọng là tư duy, tầm nhìn và tạo bản sắc riêng

Lê Tuyết
Chia sẻ
(VOV5) - Giá trị văn hóa lịch sử cách mạng của Việt Nam là một loại tài nguyên du lịch vô cùng đồ sộ, phong phú và có thể nói là hiếm có của Việt Nam đối với thế giới. 

Chiều 2/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch; đại diện lãnh đạo các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Viện Kinh tế Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phối hợp tổ chức Hội thảo và chọn chủ đề: “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc” với 6 tỉnh gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang.

Chủ tịch Quốc hội: Phát triển ngành du lịch quan trọng là tư duy, tầm nhìn và tạo bản sắc riêng - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch; đại diện lãnh đạo các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Lê Tuyết/ VOV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Du lịch và đặc biệt là phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và cách mạng. Giá trị văn hóa lịch sử cách mạng của Việt Nam là một loại tài nguyên du lịch vô cùng đồ sộ, phong phú và có thể nói là hiếm có của Việt Nam đối với thế giới. Vì vậy, trong tái cấu trúc ngành du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng, vô tận của chúng ta."

Chủ tịch Quốc hội: Phát triển ngành du lịch quan trọng là tư duy, tầm nhìn và tạo bản sắc riêng - ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Lê Tuyết/ VOV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc phát triển du lịch của 6 tỉnh cũng cần phải gắn chặt với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, ngành du lịch cần góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nghị quyết, gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, trong đó có việc hỗ trợ người lao động để vừa giữ chân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm sản xuất.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu