Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch Quốc hội mong muốn tỉnh Thừa Thiên Huế có những đột phá chiến lược kinh tế gắn với tái cơ cấu, nhưng phải bám sát tinh thần phát triển xanh và bền vững.

Chiều 17/8, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế - ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của tỉnh Thừa Thiên - Huế. - Ảnh: quochoi.vn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh 6 tháng đầu năm 2019đạt 6,87%. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng 6,37%. Tổng lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đạt 2,49 triệu lượt khách, tăng 4,6%. Tỉnh đã tổ chức thành công Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8; Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên”; Hội nghị Xúc tiến đầu tư Công nghệ thông tin và công bố dịch vụ Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng hướng đi của tỉnh trong thời gian qua đã đầu tư xây dựng theo lợi thế và bản sắc riêng theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”: "Thành phố Huế đã được trao tặng là thành phố văn hóa bền vững ASEAN. Năm 2016 Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu thành phố xanh Quốc gia do Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn. Trước đó, năm 2007, Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng Thành phố Huế là Thành phố Fetival. Đây là những ghi nhận rất đáng trân trọng của các tổ chức quốc tế, của Chính phủ đối với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân thành phố. Thứ hai là Thừa Thiên Huế đã chú trọng phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững đạt được kết quả khả quan".

Nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, tỉnh Thừa Thiên Huế có những đột phá chiến lược kinh tế gắn với tái cơ cấu, nhưng phải bám sát tinh thần phát triển xanh và bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; tăng cường giám sát các dư án đầu tư để kịp thời tháo gõ khó khăn. Đặc biệt, cần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc rất riêng của Huế. Chú trọng đẩy mạnh hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quản bá văn hóa, nhất là những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của quốc gia.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu