Trả lời câu hỏi của một số nghị sĩ nước này về vấn đề hợp tác phát triển của Đức với Việt Nam mới đây, Chính phủ Đức nhấn mạnh: Đức chọn Việt Nam là 1 trong 8 đối tác toàn cầu, cùng với Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Peru và Nam Phi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Chính phủ Đức đánh giá việc hợp tác với Việt Nam là cần thiết để cung cấp hàng hóa công cộng mang tính toàn cầu và giải quyết các vấn đề toàn cầu trong tương lai, ví dụ như các lĩnh vực: chống biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chuỗi cung ứng bền vững, phát triển kinh tế bền vững.
Chính phủ Đức cũng chủ trương thúc đẩy và cải thiện hơn nữa hợp tác kinh tế với Việt Nam, thông qua các giao thức hiện có, như: Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức, đặc biệt là từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020.
Việt Nam cũng là trọng điểm khi Đức tìm kiếm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chính phủ Đức cũng đánh giá hợp tác phát triển của Đức đã góp phần hỗ trợ Việt Nam mở cửa nền kinh tế trong những năm qua, giúp Việt Nam phát triển một cách bền vững, thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và ngăn ngừa đại dịch.