Bốn Nghị quyết chiến lược để Việt Nam cất cánh

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam ban hành “bộ tứ nghị quyết” 57, 59, 66, 68 với tư duy đột phá, tạo nền tảng chiến lược đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu 2045 hùng cường.

Bằng quyết tâm và ý chí cao, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và hùng cường của dân tộc, với hai mốc mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là 2030 và 2045. Để hiện thực hóa mục tiêu này, liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã ban hành 4 Nghị quyết với nhiều đột phá chiến lược, thay đổi toàn diện về tư duy, nhận thức và hành động. 4 Nghị quyết này là “Bộ tứ trụ cột” chính sách để giúp đất nước cất cánh trong thời gian tới.

Bốn Nghị quyết chiến lược để Việt Nam cất cánh - ảnh 1Hội nghị quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 diễn ra ngày 18/5. Ảnh: Văn Hiếu/VOV

Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, nhưng cả 4 nghị quyết, gồm: Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68,  đều thống nhất một mục tiêu: Xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế

Bước chuyển tư duy lớn và toàn diện

Điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết là tư duy phát triển rất mới. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Đại học Vin, học giả Fulbright, Đại học Hoa Kỳ, đây là bước chuyển tư duy lớn và toàn diện của Việt Nam, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu. Ông Hải cho biết: "Lần đổi mới tư duy này là bước chuyển hết sức mạnh mẽ, quyết liệt. Sự chuyển biến này trước hết xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của đất nước. Khi chúng ta đã phát triển đến một ngưỡng nào đó thì đòi hỏi phải thay đổi để phát triển hơn nữa, nếu không thì dậm chân tại chỗ và nguy cơ tụt hậu như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói nhiều lần. Thứ hai, xuất phát từ những biến chuyển của khu vực và thế giới, diễn ra cả ở khía cạnh chính trị, ngoại giao, khoa học và công nghệ".

Cũng chính xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu cấp bách phải đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập, các nghị quyết lớn đề ra những thay đổi đột phá với tầm nhìn bao trùm.

Đơn cử như Nghị quyết 68. Ngay sau khi được ban hành, nhiều chuyên gia đã không ngần ngại cho rằng đây chính là bản tuyên ngôn cải cách mạnh mẽ nhất, dành cho kinh tế tư nhân, kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi Mới đến nay. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị gọi tên rõ ràng phải "xóa bỏ định kiến", phải "xem doanh nhân là chiến sĩ mặt trận kinh tế", phải "trao quyền sở hữu và quyền cạnh tranh thực chất” cho kinh tế tư nhân phát triển.

Nghị quyết 68 không có khái niệm giao cho tư nhân làm dự án này kia, mà Nghị quyết yêu cầu tháo gỡ rào cản thể chế để bất kỳ ai, từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn, đều có quyền được cạnh tranh bình đẳng. Một điểm đột phá cực kì quan trọng nữa trong Nghị quyết 68 là việc tránh hình sự hoá quan hệ kinh tế. Với doanh nghiệp tư nhân, đây là tín hiệu và cam kết “gỡ trói thể chế” mạnh mẽ: Nghị quyết 68 đã mang lại niềm phấn khởi mới một sự kỳ vọng vô cùng lớn cho đội ngũ các doanh nghiệp sản xuất nhằm tháo gỡ được điểm nghẽn giúp doanh nghiệp phát triển.

Nghị quyết 68 ra đời giúp cho cộng đồng doanh nghiệp thêm niềm tin, để từ đó là có được nhiều quyết tâm để mở rộng hoạt động đầu tư của mình, không còn e dè không mà đưa ra những ý tưởng hoặc là áp dụng những dự án mới.

Nghị quyết 68 giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng từ trước đến nay và thay đổi cả một hệ tư duy, hệ giải pháp. Nghị quyết 68 là rất đúng lúc, kịp thời. Đây mới thực sự là phát triển.

Với nhận thức không để tư duy cũ cản trở cho tiến trình phát triển, Nghị quyết 57 cũng mở lối cho đội ngũ trí thức, chuyên gia kiều bào ở nước ngoài về đóng góp cho đất nước với nhiều cơ chế, chính sách đột phá, chưa từng có. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nêu quan điểm: "Tôi cho rằng nếu sức mạnh trí tuệ và nguồn lực kinh tế tư nhân người Việt Nam ở nước ngoài cộng hưởng với sức mạnh trí tuệ và nguồn lực trong nước, sẽ tạo ra sức mạnh to lớn cho đất nước và cho dân tộc phát triển. Con đường và nền tảng mà đất nước và dân tộc Việt Nam đi đến hùng cường sẽ rút ngắn và bền vững hơn rất nhiều"

Biến khát vọng thành hành động thực tế

Trong phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết 68 hôm 18/5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, trong khi mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn hai thập niên phía trước. Nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu.

Bốn Nghị quyết chiến lược để Việt Nam cất cánh - ảnh 2Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Hiếu/VOV

Theo Tổng Bí thư, nhận thức, tư duy và tầm nhìn đã có, Việt Nam cần quyết liệt hành động để hiện thực hóa. 4 Nghị quyết đã ban hành là bước đầu tiên và cao nhất để hiện thực hóa nhận thức và tầm nhìn trên.

4 Nghị quyết không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết 59). Như vậy, 4 Nghị quyết chính là “bộ tứ trụ cột” để hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng và hùng cường của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu