Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 01/06, các đại biểu Quốc hội thảo luận toàn diện về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập là đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch COVID - 19.
Về vấn đề tăng lương tối thiểu, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn Đắk Lắk, cho rằng, theo thông lệ, việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 01/01 hàng năm. Tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5 đến 7%.
Ảnh: Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn Đắk Lắk. Ảnh: VOV |
Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiền lương tối thiểu vùng không tăng, thu nhập giảm, tác động đến đời sống người lao động. Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian ảnh hưởng vì dịch bệnh và tăng giá. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 là đúng đắn và cần thiết. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 01/7/2022 như Tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước.
Cũng liên quan đến người lao động, đại biểu Trần Văn Sáu, đoàn Đồng Tháp, đề nghị Chính phủ quan tâm tới lao động có trình độ cao trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, sớm có chính sách thu hút lực lượng này nhằm giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bên cạnh đó, việc ưu tiên đào tạo và thực hiện tốt chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật là động lực để nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, hiệu quả, an toàn và bền vững.
Đề cập thực hiện quyền trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đoàn Hải Dương, đánh giá Chính phủ và các bộ ngành liên quan rất quan tâm vấn đề này. Trẻ em trong đại dịch Covid – 19 cũng được hỗ trợ bằng nhiều chính sách cụ thể: "Trẻ em mồ côi đang được chăm sóc thay thể trong môi trường gia đình, bảo đảm điều kiện sinh sống và phát triển tốt nhất cho trẻ em. Các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho các cháu đã được ban hành và đang được thực hiện cùng các chính sách bảo trợ thường xuyên khác. Về lâu dài, Chính phủ và các địa phương cần có chính sách giải pháp hỗ trợ cho các cháu. Hỗ trợ về vật chất, về tinh thần để động viên các cháu vượt qua khó khăn, khủng hoảng."
Đại biểu cũng đề nghị trong quá trình thực hiện xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương hoàn thành chỉ tiêu về có nơi vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em để tất cả trẻ em có thể tiếp cận.