Bản đồ Chính phủ Campuchia dùng phân giới với Việt Nam đồng nhất với bản đồ mượn của Pháp

Chia sẻ
(VOV5)- Đây là kết quả thẩm định do Ủy ban Biên giới Campuchia tổ chức.
(VOV5)- Đây là kết quả thẩm định do Ủy ban Biên giới Campuchia tổ chức.

Bản đồ Chính phủ Campuchia dùng phân giới với Việt Nam đồng nhất với bản đồ mượn của Pháp - ảnh 1
Quyền Chủ tịch Thư viện LHQ Mereani Keleti Vakasika (phải) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong (trái) tại buổi thẩm định bản đồ ở thủ đô Phnom Penh ngày 20/8. Ảnh: AFP/TTXVN.


Buổi thẩm định diễn ra hôm nay, 3/9, tại Cung Hòa bình ở thủ đô Phnom Penh, trước các đại diện của ba đảng lớn gồm đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập và đảng FUNCINPEC; đại diện Thượng viện, Quốc hội, Hội đồng Tòa án Tối cao, Hội đồng Hiến pháp, Học viện Hoàng gia; các quan chức Liên hợp quốc cùng các nhà báo trong và ngoài nước.

Bộ trưởng cấp cao, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Var Kimhong nhấn mạnh: Bản đồ Campuchia do Sở địa dư Pháp - Đông Dương xuất bản không có gì khác so với bản đồ mà Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Campuchia-Việt Nam đã và đang sử dụng. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Hor Namhong tuyên bố đây là bản đồ chính thức do Pháp xuất bản, nên kết quả thẩm định sẽ chấm dứt tất cả những đòi hỏi không đúng đắn về tiến trình phân giới với Việt Nam.

Quốc vụ khanh Phay Siphan cho biết bản đồ Pháp cho Campuchia mượn là bản đồ gốc làm cơ sở để so sánh với bản đồ chính thức mà Chính phủ Hoàng gia đã dùng để phân giới với Việt Nam. Kết quả thẩm định đã đảm bảo tính minh bạch, nhấn mạnh sự đúng đắn, chính xác về trách nhiệm của Chính phủ Hoàng gia Campuchia trong việc phân giới cắm mốc giữa Campuchia và Việt Nam. Đồng thời tránh và chấm dứt sự kích động bởi những thế lực thiếu trách nhiệm trong việc kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chia rẽ đoàn kết dân tộc; nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ Hoàng gia trong việc xây dựng một đường biên giới rõ ràng, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu