Hiệp định đã làm sáng rõ thêm giá trị “vì hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc”.
Vào lúc 24 giờ ngày 20/7/1954 (giờ Geneva), tức sáng 21/7/1954 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ảnh tư liệu TTXVN |
Theo Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hiệp định Geneva được ký kết sau 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao Việt Nam đã thắng lợi to”: "Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong một điều ước quốc tế, được các nước tham gia Hội nghị Geneva công nhận và tôn trọng. Đây là thành quả đấu tranh quật cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống chủ nghĩa thực dân mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Geneva, ông David Fernández Puyana, Đại sứ Phái đoàn thường trực của Đại học Hòa bình (UPeace) tại Văn phòng Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cho rằng Hiệp định là bước tiến quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa ở Liên hợp quốc. Sau Hiệp định, hàng loạt các nước thuộc địa Á-Phi giành được độc lập trong những năm cuối 1950, đầu 1960. Ông đánh giá đây là thành công của rất nhiều quốc gia.
Trong khi đó, Tiến sĩ người Pháp, Eric Coudray, người từng làm luận án về đề tài những người lính Pháp trong Chiến tranh Đông Dương, nhấn mạnh hiệp định đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm ở Đông Dương, buộc các quốc gia phải công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam) mà trước đây họ đã phủ nhận. Hiệp định đã động viên tinh thần của các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập và chiến lược chiến tranh cách mạng.