(VOV5)- Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 là chiến công xuất sắc nhất của cuộc chiến tranh nhân dân trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Dư luận quốc tế đánh giá cao ý nghĩa của chiến thắng cũng như chiến thuật của quân đội Việt nam đồng thời lên án hành vi ném bom rải thảm Hà nội của không quân Mỹ. Phóng viên Đài TNVN tổng hợp ý kiến của các chuyên gia quân sự và các cựu binh Mỹ về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
Nhấn vào đây để nghe âm thanh
Thượng tướng Anatoli Khiupenen, nguyên Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Liên Xô tại Việt Nam, nhận định rằng Điện Biên Phủ trên không của Việt Nam cũng giống như trận Stalingrad của Liên Xô. Trung tướng Victor Ivanovich Filippov, cựu chuyên gia quân sự Nga công tác tại Hà Hội năm 1972, khẳng định yếu tố quyết định làm nên chiến thắng này chính là nhân dân Việt Nam đã anh dũng bảo vệ đất nước mình: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng và quân đội Mỹ đã không rút ra được các bài học khi vẫn âm mưu khuất phục ý chí quật cường của dân tộc các bạn bằng bom đạn. Thứ hai, cuộc đấu tranh của các bạn là chiến đấu vì độc lập, tự do của chính dân tộc mình, còn cuộc chiến của Mỹ là cuộc chiến xâm lược. Thứ ba, nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc của mình và sự nghiệp chính nghĩa ấy đã nhận được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới cũng như ở Mỹ. Việt Nam đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh giành độc lập.
Sử gia Mỹ, Tiến sỹ John Prados, Giám đốc các dự án tư liệu Việt Nam và Tình báo thuộc Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến quân đội Mỹ phải thất bại trong chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam: "Miền Bắc Việt Nam đã đánh giá một cách hợp lý về những hành động mà người Mỹ có thể thực hiện. Họ đã chuẩn bị phòng thủ khu vực Hà Nội và tiến hành sơ tán dân thường, góp phần hạn chế thương vong. Lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã luyện tập kỹ lưỡng với tình huống Mỹ có thể sẽ đánh phá khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra, hệ thống phòng không của miền Bắc khá mạnh vào thời điểm đó và ứng phó hiệu quả với máy bay Mỹ. Về phía Mỹ, họ đã không xây dựng được một kế hoạch thấu đáo, không tính toán được khả năng phòng thủ mạnh đến như vậy của miền Bắc Việt Nam. Một vấn đề nữa là ngoài việc sử dụng lẫn lộn các loại máy bay thì phía Mỹ còn để đối phương dễ đoán được ý đồ khi không thay đổi phương thức tấn công trong các vụ oanh kích.”
Nhiều cựu chiến binh Mỹ, trong đó có đặc vụ tình báo Brian Matarrese, y tá Susan Schall đã tố cáo sự sai trái của chính quyền Mỹ khi ném bom Hà nội. Y tá Susan Schall cho biết:“Tôi làm y tá trong lực lượng hải quân Mỹ từ năm 1967 đến 1969. Khi đó, tôi hiểu rằng mình đã trở thành một phần của cỗ máy quân sự đang hủy hoại đất nước khác. Tôi tận mắt chứng kiến những tổn thương mà cả người Mỹ và người Việt Nam phải gánh chịu. Chính phủ Mỹ đã ném bom vào dân thường, vào hệ thống đê điều, khiến biết bao người Việt Nam phải chịu cảnh lụt lội, thiếu lương thực. Những điều họ làm là sai trái.”
Dư luận phương Tây lúc đó cũng đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là đòn đập tan mưu đồ thương lượng trên thế mạnh của chính quyền Nixon, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Paris về rút quân khỏi Vịêt Nam, tạo tiền đề để quân và dân Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/04/1975./.