Ông Nguyễn Hải Nam, thường được biết đến với vai trò là Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp. Nhưng ít ai biết được, gia đình ông lại có mối liên hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những câu chuyện và tư liệu về ông ngoại của ông, cụ Nguyễn Duyên (hay còn gọi là Tư Duyên), được gia đình gìn giữ, trân trọng. Nhiều năm trước, mẹ của ông, khi còn sống cũng đã có lần kể về câu chuyện này. Trong tiết mục này hôm nay, ông Nguyễn Hải Nam chia sẻ với phóng viên Đài TNVN câu chuyện về ông ngoại của ông, trong thời kỳ ở Pháp, có những liên hệ với các chí sĩ yêu nước, với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những thông tin ông biết, được nghe qua người mẹ cũng như những người thân trong gia đình. Đây được coi là sự nhắc nhớ về truyền thống gia đình, lòng yêu nước của gia đình một kiều bào tại Pháp:
Nghe âm thanh tại đây:
“Tôi được mẹ trao lại bảo vật. Đó là một bài báo tôi vẫn giữ tại Paris. Bài báo của nhà báo Hồng Hà, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân viết ngày 2-6-1975, trong đó có nói về cụ Nguyễn Duyên trong giai đoạn thời thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông ngoại tôi là cụ Nguyễn Duyên, là thứ tư nên gọi là ông Tư Duyên, cách nhau vài tuổi với Bác Hồ. Ông ở trong nhóm những người Việt sang Pháp năm 1917-1918, những người sang Pháp đầu tiên, khi ông 20 tuổi. Đến năm 1926, ông trở về Hà Nội. Ông quê quán ở Hà Đông, làng Mọc. Trong giai đoạn ở Pháp, ông ở trong nhóm chí sĩ Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Trong thời gian đó, theo gia đình kể, ông học làm ảnh và thường chỉ cách rửa ảnh cho Bác Hồ, còn gọi là Nguyễn Tất Thành, sau là Nguyễn Ái Quốc. Ông ngoại tôi sống ở thành phố cùng với chí sĩ Phan Chu Trinh, ở miền Nam nước Pháp, cách thủ đô Pari 700 km. Trong bảy, tám năm ở Pháp, ông chuyển lên Pari như một số chính khách, nhà báo. Theo nhiều người kể lại, ông ở trong nhóm Việt Nam làm báo đầu tiên với Bác Hồ và ông Phan Văn Trường.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp |
Theo gia đình kể, có hai lần ông gửi thư cho Bác. Lần thứ nhất là năm 1955 ( sau khi ký Hiệp định Geneve), ông ở miền Nam không ra được Bắc, trong khi tất cả gia đình ở Hà Nội. Ông gửi thư hỏi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, chiến tranh bùng nổ, tôi hiểu là thời điểm đó rất phức tạp nên không biết thư có đến được hay không? Lần thứ hai, sau Mậu Thân 1968, ông cũng tìm cách liên hệ với Bác, nhưng không nhận được trả lời. Khi đó là chiến tranh và hai miền Nam Bắc chia đôi. Đó là lần cuối cùng ông liên lạc với Bác Hồ. Sau đó, do có quan hệ khi ở Pháp, năm 1968, ông sang Pháp vừa chữa bệnh, vừa tìm cách để trở về Hà Nội. Năm 1969, khi Bác Hồ mất, ông có đến một văn phòng liên lạc của kiều bào để tưởng niệm Bác và ông ngoại tôi mất ở Pháp năm 1972. Mỗi lần, có những cơ hội, những sự kiện như Quốc khánh 2/9, Sinh nhật Bác 19/5, tôi luôn có cảm xúc tự hào, gia đình mình có quan hệ với thời thanh niên của Bác Hồ. Rất vinh dự, gia đình biết được về Hồ Chủ tịch trong những năm thanh niên ở Pháp, một vị lãnh tụ sau này của dân tộc Việt Nam. Tôi cũng rất vui đại diện cho gia đình kể lại câu chuyện về ông Nguyễn Duyên với ông Nguyễn Ái Quốc”.