Bà Cao Hồng Vinh: Nỗ lực xây dựng cầu nối văn hóa và giáo dục tại Ba Lan

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Bà Cao Hồng Vinh, người Ba Lan gốc Việt, đã có nhiều hoạt động giáo dục nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của con em người Việt Nam tại Ba Lan.

Bà Cao Hồng Vinh sinh sống và làm việc ở Ba Lan được hơn 30 năm. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, bà đã ở lại lập nghiệp tại xứ sở tuyết trắng này. Công việc bà gắn bó và say mê nhất liên quan đến giáo dục. Trong suốt hơn hai mươi năm qua, bà đã có nhiều đóng góp vào hoạt động giáo dục, văn hóa tại địa phương. Mới đây, bà Cao Hồng Vinh là người Ba Lan gốc Việt đầu tiên trúng cử vào Hội đồng nhân dân quận Ochota, thủ đô Warszawa (Ba Lan) nhiệm kỳ 2024 - 2029. Bà Cao Hồng Vinh chia sẻ thông tin về những đóng góp của mình cho các hoạt động giáo dục tại các trường phổ thông ở Ba Lan và nhiệm vụ mà bà sẽ thực hiện trong vai trò là Ủy viên Hội đồng nhân dân quận Ochota nhằm góp phần vào sự phát triển của cộng đồng người Việt và bà con nước sở tại.

Bà Cao Hồng Vinh: Nỗ lực xây dựng cầu nối văn hóa và giáo dục tại Ba Lan - ảnh 1Bà Cao Hồng Vinh, Ủy viên Hội đồng nhân dân quận Ochota, thành phố Warszawa, Ba Lan. 
Nghe âm thanh tại đây:
Xây dựng cầu nối văn hóa thông qua các hoạt động giáo dục tại trường học

Đồng hành với việc học tập của các con từ mẫu giáo đến các cấp học tại các trường học ở quận Ochota, thủ đô Warszawa, tôi nhận thấy rào cản về ngôn ngữ và văn hóa đã làm cho việc học tập, sinh hoạt tại trường học của các học sinh Việt Nam rất khó khăn. Tôi quyết định mình cần làm gì đó để giúp phụ huynh học sinh Việt Nam ở đây.

Bà Cao Hồng Vinh: Nỗ lực xây dựng cầu nối văn hóa và giáo dục tại Ba Lan - ảnh 2Nhiều tiết mục văn nghệ sinh động được biểu diễn tại trường PTCS số 152, thành phố Warszawa,  trong Tuần văn hóa Việt Nam 2024.
Bà Cao Hồng Vinh: Nỗ lực xây dựng cầu nối văn hóa và giáo dục tại Ba Lan - ảnh 3Các học sinh trường PTCS số 175, thành phố Warszawa, biểu diễn văn nghệ nhân Tuần văn hóa Việt Nam 2023 với chủ đề "Ngày hội trò chơi dân gian Việt Nam".
Học sinh trường PTCS số 175, thành phố Warszawa, cùng khách mời là lãnh đạo quận Ochota và chủ tịch các quỹ hội nhập cùng vui múa sạp.

Hơn 20 năm nay, tôi thường tổ chức nhiều hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh ở ba trường học tại quận Ochota, nơi tôi sinh sống. Mỗi trường có hơn 100 học sinh Việt Nam. Tôi đã phối hợp tổ chức những ngày văn hóa Việt Nam ở ba trường học này. Nhưng sau đó, tôi nhận thấy mình cần phải liên kết giữa các trường với nhau và từ đó, giới thiệu về văn hóa Việt Nam để các học sinh Việt Nam cũng thấy tự hào về đất nước của mình. Nên tôi tổ chức chương trình “Tuần văn hóa Việt Nam” tại quận Ochota.

Bà Cao Hồng Vinh: Nỗ lực xây dựng cầu nối văn hóa và giáo dục tại Ba Lan - ảnh 4Tuần văn hóa Việt Nam 2024 được tổ chức tại trường PTCS số 152 với chủ đề về Tết cổ truyền Việt Nam.

Các bậc phụ huynh người Việt Nam cảm thấy đây là cơ hội để họ có thể đóng góp công sức vào các hoạt động của nhà trường và cũng giúp cho con cái mình hòa nhập tốt hơn với môi trường học đường ở Ba Lan, là cơ hội để giao lưu, kết nối, học hỏi lẫn nhau. Sau nhiều năm, Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo đánh giá tốt. Và tôi nhận được nhiều giấy chứng nhận, bằng khen của nhà trường.

Bà Cao Hồng Vinh: Nỗ lực xây dựng cầu nối văn hóa và giáo dục tại Ba Lan - ảnh 5Chương trình Tuần văn hóa Việt Nam năm 2020 diễn ra tại trường PTCS số 264, thành phố Warszawa.

Bà Cao Hồng Vinh - Người Việt đầu tiên trúng cử vào Hội đồng nhân dân quận Ochota

Khi tôi trúng cử làm Uỷ viên Hội đồng nhân dân quận Ochota, tôi rất tự hào khi nhà trường và lãnh đạo chính quyền quận Ochota động viên tôi rằng với vai trò của mình, tôi sẽ hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng người Việt về các vấn đề liên quan đến sự hội nhập của bà con tại đây.

Bà Cao Hồng Vinh: Nỗ lực xây dựng cầu nối văn hóa và giáo dục tại Ba Lan - ảnh 6Bà Cao Hồng Vinh tại lễ nhậm chức Uỷ viên Hội đồng nhân dân quận Ochota, Warszawa, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Ngày 07/04/2024, theo thống kê tại nước sở tại, có 60% dân số quận Ochota đi bầu cử. Từ 150 người tham gia ứng cử, họ đã bầu ra 23 người, trong đó có tôi, vào Hội đồng nhân dân quận nhiệm kỳ 2024 - 2029. Với kết quả như vậy, đối với tôi và cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, đó là một điều bất ngờ. Vì từ trước đến nay, tôi là người nước ngoài đầu tiên được bầu vào Hội đồng nhân dân quận Ochota. Qua đó, tôi nhận thấy người Ba Lan đã đánh giá được sự hội nhập là cần thiết và họ nhìn nhận những công việc tôi làm từ trước đến nay có giá trị đối với cộng đồng.

Đồng lòng vì sức khỏe người già: Nỗ lực cải thiện cơ sở y tế địa phương

Người Ba Lan gốc Việt ở quận Ochota, những người định cư hợp pháp, có khoảng 2.000 người. Với cương vị mới của mình trong nhiệm kỳ này, tôi vẫn hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa như từ trước đến nay tôi từng làm nhằm tạo điều kiện cho học sinh người Việt có môi trường học tập tốt hơn.

Bà Cao Hồng Vinh: Nỗ lực xây dựng cầu nối văn hóa và giáo dục tại Ba Lan - ảnh 7Bà con người Việt tại Ba Lan chúc mừng bà Cao Hồng Vinh trên cương vị mới.

Ngoài ra, về lĩnh vực y tế, trong những cuộc tiếp xúc với người dân khi tham gia vận động bầu cử, tôi nhận thấy nhiều người già, nhất là đối với những người phải dùng xe đẩy, gặp những khó khăn trong việc di chuyển từ vùng nọ sang vùng kia trong quận để thăm khám sức khỏe, vật lý trị liệu. Thế nên, trong thời gian tới, một trong những mục đích hoạt động của tôi là tìm những cơ sở y tế gần hơn, thuận tiện hơn cho người già, cả người Ba Lan và Việt Nam. Đó là nhu cầu cần thiết của người dân nên tôi cũng sẽ đề đạt việc này với chính quyền để cùng nhau giải quyết vấn đề này trong khu vực của chúng tôi đảm nhiệm.

Tôi nghĩ rằng bằng những mục tiêu và hoạt động cụ thể này, tôi sẽ mang nhiều trách nhiệm hơn trong các hoạt động của mình. Không chỉ hướng tới người Ba Lan ở nước sở tại mà tôi còn phải quan tâm nhiều đến cộng đồng người Việt tại Ba Lan để cho người Việt ngày càng hội nhập hơn, hiểu biết hơn về văn hóa người Ba Lan. Khi người Việt có cuộc sống thoải mái, tốt hơn, có nhiều bạn bè Ba Lan yêu mến, giúp đỡ hơn thì họ sẽ đem lại sự phát triển tốt hơn cho con cái họ, thế hệ tương lai của cộng đồng người Việt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu