Xung đột Armenia-Azerbaijan và những hệ lụy khó lường

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -  Xung đột Azerbaijan-Armenia kéo theo sự can dự từ các quốc gia có liên quan, trong đó trực tiếp là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

(VOV5) -  Xung đột Azerbaijan-Armenia kéo theo sự can dự từ các quốc gia có liên quan, trong đó trực tiếp là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.


Sau nhiều ngày giao tranh dữ dội, các bên xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/4. Mặc dù các bên khẳng định quyết tâm thực thi thỏa thuận ngừng bắn này để tiến tới đàm phán hòa bình, giải quyết các xung đột nhưng cội nguồn mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo giữa Azerbaijan-Armenia từ quá khứ, cũng như tác động từ các quốc gia có liên quan có thể kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng tới an ninh chính trị của cả châu Âu.

Xung đột Armenia-Azerbaijan và những hệ lụy khó lường - ảnh 1
Xe tăng của quân đội Azerbaijan tại khu vực biên giới Nagorno-Karabakh ngày 5/4. Ảnh: THX/TTXVN

Thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực từ trưa 5/4 (giờ địa phương) và lệnh ngừng bắn đã được thực thi trong vài giờ sau đó. Trước đó, cuộc xung đột bùng phát từ ngày 2/4 tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh khiến ít nhất khoảng 90 người thiệt mạng, trong đó bao gồm cả dân thường và hàng trăm người khác bị thương. Tuy nhiên, dù tuyên bố tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn vừa ký kết, song những phát ngôn cùng quan điểm cứng rắn của các bên quyết không “lùi bước” trước đòi hỏi chủ quyền, báo hiệu căng thẳng ở khu vực này rất dễ bùng phát bất cứ lúc nào.

Mâu thuẫn bắt nguồn từ quá khứ

Ở thời kỳ Liên bang Xô viết, Nagorno-Karabakh là một tỉnh tự trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Azerbaijan, nhưng cả Armenia và Azerbaijan đều có tranh chấp đối với vùng đất này. Nagorno-Karabakh vốn là vùng sinh sống của người Armenia từ xa xưa. Các cuộc xung đột giữa hai bên đã diễn ra từ năm 1988 và kéo dài nhiều năm sau đó. Việc Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991 đã dỡ bỏ những rào cản cuối cùng ngăn cản hai phía Armenia và Azerbaijan tiến hành một cuộc chiến tổng lực. Ngày 6/1/1992, vùng này tuyên bố độc lập từ Azerbaijan. Sau 6 năm chiến tranh ác liệt, cả hai phía đều đã sẵn sàng ký lệnh ngưng bắn và trả lại hiện trạng cũ cho Nagorno-Karabakh.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra tại đây. Kể từ năm 2008, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.


Xung đột Armenia-Azerbaijan và những hệ lụy khó lường - ảnh 2
Nhà cửa bị phá hủy trong vụ xung đột ở Nagorno-Karabakh ngày 5/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Với thỏa thuận ngừng bắn lần này, các bên cam kết tôn trọng thỏa thuận đạt được, giữ nguyên hiện trạng, tìm kiếm một giả mong muốn giải quyết xung đột này bằng biện pháp hòa bình. Song, những phát ngôn và tuyên bố cứng rắn từ hai phía cũng như sự can dự trực tiếp từ các nước liên quan khiến bầu không khí khu vực này tăng nhiệt. Phía Azerbaijan nêu rõ mặc dù hai bên đã ký một lệnh ngừng bắn, điều này không có nghĩa là Azerbaijan từ bỏ ý định khôi phục “chủ quyền” đối với vùng Nagorno-Karabakh. Đồng thời khẳng định nước này không ngại “đáp trả” ngay lập tức nếu thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được bị phía Armenia vi phạm. Trong khi đó, phía Armenia cũng kiên quyết bảo vệ cộng đồng người Armenia tại đây, thậm chí tuyên bố nếu chiến sự tại khu vực xung đột không ngừng lại và phát triển theo chiều hướng toàn diện thì Armenia sẽ công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nagorno-Karabakh.

Những hệ lụy khó lường

Xung đột Azerbaijan-Armenia kéo theo sự can dự từ các quốc gia có liên quan, trong đó trực tiếp là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi mối quan hệ giữa Ankara và Moscow chưa được cải thiện từ sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ, tranh chấp giữa Armenia, đồng minh thân cận của Nga và Azerbaijan, vốn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, là cái cớ để hai bên phô trương sức mạnh và tầm ảnh hưởng. Trong khi tất cả các đối tác bên ngoài đều kêu gọi Azerbaijan và Armenia kiềm chế và tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn thì Thổ Nhĩ Kỳ công khai đứng hẳn về phía Azerbaijan và tuyên bố ủng hộ Azerbaijan đến cùng bằng mọi giá. Để ủng hộ Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa hoàn toàn tuyến biên giới chung với Armenia, cản trở không nhỏ những mối quan hệ thương mại và kinh tế của Armenia với bên ngoài. Còn đối với Armenia, Nga là một đồng minh thân cận. Từ sau cuộc chiến 1988-1994, Armenia kiểm soát trên thực tế vùng này. Ở đó có căn cứ quân sự của Nga và Nga hậu thuẫn Armenia cả về chính trị lẫn quân sự. Vì vậy, không ngạc nhiên khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm nay cũng hối hả lên đường thăm Armenia. Dù vấn đề Nagorno-Karabakh của Armenia không nằm trong những thỏa thuận của liên minh Nga – Armenia, nhưng Nga cũng không thể đứng ngoài cuộc, bởi nếu tình hình xấu đi với Armenia, lợi ích của Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Giới phân tích nhận định bất kì một chiến dịch quân sự được kích hoạt, giao tranh ở điểm nóng này có thể nhanh chóng leo thang, vượt khỏi tầm kiểm soát với sự tham gia của nhiều bên. Tình hình chiến sự gia tăng có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường và lan tràn trên quy mô lớn. Điều này tất nhiên không chỉ ảnh hưởng tới an ninh và ổn định của khu vực Nam Caucasus mà còn cả thềm lục địa châu Âu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu