Xuân quê hương ấm tình dân tộc

Chia sẻ
Tiếp nối thành công của ‘‘Xuân Quê hương” những năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình ‘‘Xuân Quê hương 2012” với chủ đề “Rồng thiêng hội tụ”. 

Xuân quê hương ấm tình dân tộc - ảnh 1

Tiếp nối thành công của ‘‘Xuân Quê hương” những năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình ‘‘Xuân Quê hương 2012” với chủ đề “Rồng thiêng hội tụ”. Đây là dịp để bà con người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới hướng về quê hương, tham dự vào chương trình nghệ thuật đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền, đồng thời cũng là dịp để những người con xa xứ tìm về với cội nguồn dân tộc. Phóng viên Đài TNVN có bài phản ánh.


Chương trình Xuân quê hương năm nay đón tiếp 1000 kiều bào là đại diện cộng đồng người Việt Nam tại hơn 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Đây là lần họp mặt của kiều bào đông nhất từ trước tới nay. Tham gia chương trình Xuân quê hương, đại diện bà con kiều bào được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham dự Lễ dâng hương trước Điện Kính Thiên- Hoàng Thành Thăng Long, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Một cột và thực hiện nghi lễ thả cá tại Ao cá Bác Hồ. 

Từ 5 năm nay, Xuân quê hương trở thành chương trình thường niên được Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao tổ chức để chào đón kiều bào tại khắp các châu lục về tận hưởng trọn vẹn không khí xuân và đón Tết cổ truyền dân tộc. Đến với chương trình, bà con kiều bào có cơ hội tìm hiểu môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước cũng như tại các nơi khác trên thế giới thông qua trao đổi với kiều bào ở khắp nơi về tham dự. Bởi vậy, cứ vào dịp giáp Tết hàng năm, địa chỉ 32 Bà Triệu-trụ sở Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước Ngoài được đón tiếp nhiều lượt khách là Việt kiều tới đăng kí tham dự chương trình Xuân quê hương. Địa chỉ này đã trở thành điểm đến quen thuộc với những người con xa xứ khi trở về Việt Nam. Ông Đạt – Việt kiều tại CHLB Đức nói:“Khi về đến sân bay Nội Bài, tôi đã nghĩ ngay là phải đến Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để lấy giấy mời tới tham dự chương trình này. Buổi gặp mặt ở đây rất phấn khởi và nồng nhiệt”.


Ông Đạt cũng cho biết xa quê hơn 20 năm, ông không khỏi xúc động khi được vinh dự tham gia đêm hội cho kiều bào. Với ông Đạt cũng như những người con xa xứ, “Xuân quê hương” như một món quà tinh thần không thể thiếu mỗi độ Tết đến xuân về bởi đây là dịp để “sưởi lại hơi ấm của tình yêu quê hương của những người xa xứ”.

Được đón Tết cổ truyền dân tộc ngay trên chính quê hương mình là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với các kiều bào. Về với quê hương là về với cội nguồn bởi người Việt Nam dù có đi bất cứ nơi đâu thì con tim vẫn luôn hướng về quê nhà. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Việt kiều đang sinh sống tại Liên Bang Nga, bày tỏ nói:Cảm xúc khi về quê hương chắc hẳn ai cũng giống như tôi. Về Việt Nam, tôi rất vui mừng, phấn khởi. Về lại với quê hương, từ những hàng cây, ngọn cỏ, đất đai đến con người, tất cả đấy là của mình. Mình về là về với đất mẹ, về với tổ quốc. Ở nước ngoài thì mình chỉ như một người khách còn về với quê hương là về với mái nhà của mình nên tôi vẫn thấy thích hơn.


Dù không ở Việt Nam nhưng những nếp văn hóa truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay vẫn được các kiều bào gìn giữ và kế thừa. Trong nhịp sống hối hả ở trời Tây với bề bộn công việc, nhưng cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, bà con Việt kiều lại dành thời gian để thực hiện những nghi lễ cúng giỗ theo tục lệ từ bao đời nay ở quê nhà. Không có mai, đào thật thì dùng giấy màu cắt thành hoa để thỏa nỗi nhớ quê. Bên cạnh đó những phong tục ngày Tết như thắp hương cho ông bà, tổ tiên, bày biện mâm ngũ quả, lì xì đầu năm cho con trẻ luôn được duy trì. Ông Nguyễn Văn Đạt – Việt kiều ở Đức nói:“Năm ngoái, chúng tôi ăn Tết tại Đức cùng 3 người con và các cháu nội, cháu ngoại. Vào ngày Tết, bên ngoài người ta đi làm bình thường, nhưng trong nhà, vợ tôi cũng gói bánh chưng, rồi cúng lễ tổ tiên trên ban thờ. Gia đình tôi bên đó cũng có bàn thờ ông bà, cha mẹ. Chúng tôi dạy các cháu mình cũng phải cúng, phải vái theo bà”.


Theo thống kê, năm 2011 có trên 300 nghìn lượt kiều bào về thăm đất nước và lượng kiều hối đạt tới hơn 9 tỉ USD. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay, tương đương 1/10 GDP của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có lượng kiều hối nhiều nhất năm 2011. Bước sang năm 2012, là một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Việt kiều Nga hi vọng trong năm mới Nhâm Thìn, tinh hoa dân tộc tiếp tục được phát tiết để Việt Nam vượt qua được những khó khăn, thử thách, tiếp tục đi lên và phát triển thịnh vượng:Năm nay là một năm có rất nhiều cơ hội bởi vì nghề của chúng tôi rất quan tâm về mảng bất động sản. Hiện nay bất động sản tại Việt Nam đang trầm lắng. Đó là điều kiện tốt của những người có tiền để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản vì lĩnh vực bất động sản của Việt Nam hiện rất có tiềm năng”.


Cộng đồng người Việt Nam sống xa Tổ quốc chính là chiếc cầu nối phát triển quan hệ hợp hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới cũng như quảng bá văn hóa Việt với bè bạn quốc tế. Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định người VN ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi dịp Xuân về, dù bận nhiều công việc trong cuộc sống mưu sinh xứ người nhưng nhiều người Việt Nam ở nước ngoài vẫn cố gắng thu xếp về thăm quê và đón tết cổ truyền dân tộc với gia đình, bạn bè và người thân trong nước và tham dự Xuân quê hương. Đây là nét văn hoá truyền thống của người Việt mà kiều bào ta ở ngoài nước luôn nâng niu và gìn giữ./.

  Bùi Hằng, Phương 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu