Xây dựng và phát triển thương hiệu biển đảo Việt Nam

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng thương hiệu biển Việt Nam đã được khẳng định tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013 với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền và thương hiệu biển Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhân “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2013”. Các ý kiến nhất trí cho rằng thương hiệu biển Việt Nam cần được nhìn nhận là một “thành viên” trong gia đình thương hiệu quốc gia, góp phần tạo nên hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

(VOV5)- Vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng thương hiệu biển Việt Nam đã được khẳng định tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013 với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền và thương hiệu biển Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhân “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2013”. Các ý kiến nhất trí cho rằng thương hiệu biển Việt Nam cần được nhìn nhận là một “thành viên” trong gia đình thương hiệu quốc gia, góp phần tạo nên hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.


Xây dựng và phát triển thương hiệu biển đảo Việt Nam - ảnh 1
Quang cảnh Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2013. Ảnh: Lê Phú

Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế biển, thương hiệu biển chính là sự hòa quyện giữa con người và các sản vật, sản phẩm biển, như hình ảnh các vùng ven biển, từng hòn đảo, các khu du lịch, sản phẩm ngành hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp. Việt Nam có trên 3.260 km bờ biển, với vùng biển rộng hơn 1 triệu km2. Với những tiềm năng lợi thế kinh tế vùng biển, ven biển, phát triển kinh tế biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tại buổi toạ đàm, các ý kiến đều nhất trí cho rằng thương hiệu biển có mối quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế biển. Tiềm năng và nguồn lợi biển của Việt Nam khi được khai thác hợp lý là yếu tố và tác nhân quan trọng đối với việc phát triển đất nước. Điều này cho thấy xây dựng thương hiệu biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Xây dựng thương hiệu biển phải khai thác tiềm năng của biển, vùng ven biển, có chiến lược phát triển các ngành có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh như du lịch, cảng biển, dịch vụ hàng hải, khai thác tiềm năng dưới biển; đồng thời phải tính đến phát triển lâu dài thông qua khai thác tiềm năng dưới biển, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng biển quốc tế. Các ngành kinh tế biển phát triển sẽ tạo sự bứt phá và trụ đỡ cho nền kinh tế của đất nước, là tiền đề xây dựng và phát triển thương hiệu biển. Việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác các tiềm năng của biển là một yêu cầu cấp thiết để xây dựng một thương hiệu biển chất lượng và có tính lâu dài. Hướng tới Chiến lược phát triển biển Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển cũng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu biển Việt Nam.

Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết:  “Ngành hàng hải Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế hàng hải , hoàn thiện quy hoạch hệ thống phát triển cảng biển, công nghệ đóng tàu, dịch vụ vận tải biển để tạo động lực thúc đẩy  các hành lang kinh tế gắn liền với biển, trong đó từ nay đến 2020 tập trung một số dự án trọng điểm như dự án cửa quốc tế Hải Phòng và cảng biển Lạch Huyện, bên cạnh triển khai đầu tư hai bến khởi động cho tàu 100 tấn và đưa vào khai thác năm 2016.” 


Xây dựng và phát triển thương hiệu biển đảo Việt Nam - ảnh 2

Thương hiệu biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng cấu thành thương hiệu Quốc gia Việt Nam, cần được gắn liền với thương hiệu Quốc gia. Trong Chiến lược biển Việt Nam cũng đề ra mục tiêu cụ thể, đó là làm cho đất nước giàu mạnh từ biển. Mối liên kết giữa biển với đất liền, giữa khai thác tiềm năng của biển với tiềm năng của đất liền, gắn kết giữa kinh tế biển với an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền đất nước đòi hỏi sự gắn kết cả về trách nhiệm và nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu biển Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đăng Đạo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên môi trường, Thế kỷ 21 là Thế kỷ Đại dương, Việt Nam muốn phát triển mạnh phải hội tụ được 3 yếu tố: phát triển kinh tế biển, tiềm lực khoa học công nghệ biển mạnh và xây dựng cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển đủ mạnh và hiệu quả để thực hiện chiến lược này. Xây dựng thương hiệu biển không chỉ là việc khai thác, sử dụng biển thế nào cho hợp lý, hiệu quả và bền vững mà còn là việc liên kết giữa các ngành, nghề trong việc xây dựng một thương hiệu mang tầm vĩ mô. Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển một cách hợp lý để mọi người dân Việt Nam đều có thể tham gia xây dựng, quảng bá thương hiệu biển.

Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ cách làm của địa phương:“Hà Tĩnh vừa thành lập ban chỉ đạo, quy hoạch về phát triển kinh tế biển. Trong đó, công tác nuôi trồng thủy sản được quy hoạch, có cơ chế chính sách cho tổ chức cá nhân, đặc biệt là người dân ven biển có điều kiện để tham gia hoạt động kinh tế ở địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng thành lập ban chỉ đạo của tỉnh và các huyện cùng tham gia quản lý chặt chẽ trong việc bảo vệ môi trường biển để bảo tồn và không để sinh vật biển bị xâm hại , tạo điều kiện cho phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.”

Xây dựng Thương hiệu biển Việt Nam góp phần đưa các sản phẩm kinh tế, văn hóa, du lịch biển của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn khi hướng đến thị trường quốc tế rộng lớn. Thương hiệu biển Việt Nam biểu hiện cho hình ảnh một quốc gia không chỉ giàu về tài nguyên biển mà còn có lịch sử, văn hóa biển lâu đời, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trước cộng đồng quốc tế./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu