Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là 2 chương trình trọng tâm để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn Việt Nam.

(VOV5) - Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là 2 chương trình trọng tâm để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn Việt Nam.


Trong giai đoạn 2016 - 2020, tái cơ cấu nông nghiệp được xác định là yếu tố quan trọng, góp phần vào hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới của Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến về giải pháp để 2 chương trình trọng tâm này thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội của nông thôn Việt Nam.

                                               

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp - ảnh 1
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới


Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài tại nông thôn Việt Nam. Chương trình được tiến hành từ năm 2011 và đã được sơ kết. Trên những kết quả đạt được, Việt Nam tiếp tục xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016 – 2020.


Trong khi đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013. Đề án đưa ra định hướng chung trên 3 khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam


Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Thành tựu nổi bật nhất là phát triển cơ sở hạ tầng với việc xây dựng mới hơn 47 nghìn km đường giao thông; hơn 80% số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến. Nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Ông Đặng Hoàng Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, nhận xét: Chương trình là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là 1 trong những chương trình khá toàn diện và là giải pháp quan trọng để thực hiện nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có tầm quan trọng tác động trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực hướng đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp - ảnh 2
Một thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới


Trong khi đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tuy mới được triển khai thực hiện từ năm 2013 song cũng góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp và tạo thêm việc làm cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương và vùng miền. Gắn kết chặt chẽ xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp.


Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam hướng tới mục tiêu 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp - ảnh 3
Các lực lượng, đơn vị chung tay cùng người dân xây dựng nông thôn mới


Để thực hiện các mục tiêu này, cần gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp. Trước hết là có chính sách đột phá về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ đối với các ngành hàng chủ lực, đặc biệt là công nghệ giống, tưới tiêu, bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Ông Đoàn Văn Việt, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ về sinh học là điều kiện quan trọng để chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và đây chính là sự khác biệt rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Ở Lâm Đồng có khoảng 16% diện tích là sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhưng giá trị sản xuất trên diện tích này mang tới hơn 30%. Trong ngành nông nghiệp, thu nhập bình quân của Lâm Đồng hiện nay gần 150 triệu/ha trong khi bình quân của cả nước con số này ở mức 78 triệu/ha. Nếu sản xuất rau công nghệ cao thì sẽ thu nhập khoảng từ 400-500 triệu đồng/ha/năm nhưng nếu sản xuất hoa sẽ thu được từ 800.000 đến 1 tỷ và thậm chí cao hơn.

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp - ảnh 4


Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, nêu ý kiến: Trong thời gian tới nên tập trung tạo năng lực cốt lõi cho nông nghiệp, nông thôn trên 2 tuyến, trong đó có doanh nghiệp. Có doanh nghiệp dẫn đắt sẽ có định hướng kinh doanh thị trường mới, hướng tới sản phẩm chất lượng cao, khối lượng lớn, dựa vào công nghệ để phát huy lợi thế đặc sản từng vùng. Muốn vậy, Chương trình xây dựng nông thôn mới cần tập trung điều chỉnh mục tiêu giải quyết các nút thắt về đất đai, thủ tục tiếp cận của doanh nghiệp trong nông nghiệp.


Việt Nam xác định tiếp tục xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới để có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ. Trong quá trình đó, việc kết hợp chặt chẽ với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu đề ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu