Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vừa thông qua một thỏa thuận mang tính lịch sử, được cho là giúp đem lại sự thay đổi cho đời sống của nhiều người trên thế giới. Thỏa thuận đạt được sau nhiều ngày đàm phán là thắng lợi chung cho mọi người dân ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả đạt được cũng là minh chứng về sự cải tổ mạnh mẽ của tổ chức thương mại toàn cầu trong giải quyết các vấn đề cấp bách của thời đại.
Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO, tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 12 đến 17/6, kéo dài thêm 2 ngày so với kế hoạch ban đầu. Đây là hội nghị đầu tiên của WTO trong 4 năm qua và được xem là "phép thử" cho khả năng đạt thỏa thuận thương mại đa phương trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới.
Nội dung thỏa thuận bao trùm hàng loạt vấn đề cấp bách
Các nội dung thỏa thuận được WTO thông qua bao trùm trên nhiều lĩnh vực gồm: Ứng phó khẩn cấp đối với an ninh lương thực; Miễn trừ các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu; Ứng phó với đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho đại dịch tương lai; Quyền sở hữu trí tuệ; Trợ cấp thủy sản; Biến đổi khí hậu….
Vấn đề vướng mắc nhất tại Hội nghị lần này là vấn đề đánh bắt cá. Theo WTO, mỗi năm, các nước trên thế giới chi khoảng hơn 35 tỷ USD để trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá. Điều này cho phép nhiều đội tàu đánh cá hoạt động lâu hơn và xa hơn trên biển, gây tổn hại đến sinh vật biển. Hầu hết các chính phủ đều đồng ý rằng cần bảo vệ nguồn dự trữ cá vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng và thiết yếu với hàng triệu người dân ven biển trên thế giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà WTO chưa giải quyết được từ 20 năm nay. Các cuộc đàm phán liên quan tới vấn đề này đều rơi vào bế tắc bởi một số nước khai thác cá nhiều nhất trên thế giới lại là các quốc gia nghèo và đang phát triển.
Sau nhiều nỗ lực đàm phán, các thành viên WTO đã đạt được thỏa thuận cấm trợ cấp cho hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Các quốc gia đang phát triển được hưởng hình thức miễn trừ các lệnh cấm nói trên trong thời gian chuyển tiếp 2 năm. Tuy nhiên, ưu đãi này chỉ được áp dụng trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia được hưởng miễn trừ.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala (trái) trong phiên bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới ở Geneva ngày 17/6. Ảnh: AFP |
Đối với quyền sở hữu trí tuệ vaccine phòng COVID-19, đây là vấn đề gây chia rẽ WTO suốt 2 năm qua vì vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những quốc gia có đặt các công ty dược phẩm lớn như Anh và Thụy Sĩ. Các công ty dược phẩm lớn trên thế giới cho rằng việc xóa bỏ các bằng sáng chế sẽ làm tê liệt hoạt động đầu tư và đổi mới, đồng thời nhận định kế hoạch này đã lỗi thời vì thế giới hiện đang dư thừa vaccine. Chính vì vậy, việc các bộ trưởng thương mại WTO quyết định xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine phòng COVID-19 được áp dụng trong thời gian 5 năm, được cho là thành công lớn tại Hội nghị lần này.
Dấu ấn cải tổ của WTO
Kể từ khi WTO được thành lập năm 1995, khối lượng thương mại toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi và thuế quan trung bình toàn cầu giảm xuống còn 9%, với hàng tỉ người thoát khỏi đói nghèo nhờ tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, gần 5 năm qua là thời gian WTO gặp nhiều thách thức nhất trong lịch sử tồn tại từ 27 năm nay. Đại dịch COVID-19 và các cuộc phong tỏa do dịch bệnh, khiến thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Mới đây nhất, chiến sự Nga - Ukraina khiến nguồn cung lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng, làm trầm trọng thêm xu hướng bảo hộ.
Những biến động dữ dội có tính toàn cầu về chính trị, chính trị an ninh và kinh tế, thương mại đặt ra cho WTO nhiều vấn đề mới mà WTO đến nay vẫn chưa giải quyết nổi. Mỹ và Trung Quốc là hai thành viên có ảnh hưởng lớn trong WTO nhưng cuộc xung khắc thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc gay cấn và phức tạp đến mức vượt quá khả năng giải quyết của WTO. Việc tổ chức Hội nghị tại Geneva sau thời gian dài đại dịch và việc đạt được thỏa thuận cho thấy quyết tâm khôi phục vai trò, ảnh hưởng và vị thế của WTO đối với thương mại và kinh tế thế giới, khẳng định khả năng đảm trách vai trò quyết định nhất trong chuyện tự do hoá thương mại ở thời đại toàn cầu hoá.
Từ năm 2013 đến trước thời điểm Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO diễn ra, WTO chưa đạt được thỏa thuận thương mại đa phương nào mới. Chính vì vậy, thỏa thuận WTO vừa đạt được có ý nghĩa toàn cầu và là động lực để tổ chức này tiếp tục đổi mới trong thời gian tới.