Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Đình Hiếu, Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Chỉ sau một năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Hôm nay (16/8), Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, chủ trì phiên họp triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của Ban Chỉ đạo, cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực - ảnh 1Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: qdnd.vn

Dấu mốc quan trọng của việc đưa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống là trong năm 2022, 63 Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập và đi vào hoạt động ở tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ sau một năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh

Ngày 4/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Cầm Bá Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Với những sai phạm xảy ra tại Dự án Hạc Thành Tower, hai cán bộ là ông Nguyễn Bá Hùng, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Như Xuân và bà Đinh Cẩm Vân, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, cũng bị khởi tố tiếp sau ông Cầm Bá Xuân, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đây chỉ là 2 trong số hàng loạt vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ở Thanh Hóa được xử lý trước pháp luật, khẳng định quyết tâm tất cả mọi hành vi sai phạm, làm trái pháp luật đều bị xử lý.

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Ngọc Tiến, cho biết: "Sau một năm đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đã đưa 15 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Định kỳ hoặc khi cần thiết, Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo họp, định hướng các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, xác minh, điều tra, xử lý, nhất là tăng cường công tác phối hợp để tháo gỡ các khó khăn".

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực - ảnh 2Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: dangcongsan.vn

Thành phố Hà Nội là địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh sớm nhất trong cả nước. Đến nay, Ban chỉ đạo đã đưa 60 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cho biết: "Riêng trong quý 1 năm 2023, đã phát hiện và bổ sung đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 24 vụ việc, vụ án xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Hà Nội. Thành ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo kết luận và kiến nghị của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực và các cơ quan chức năng khác đã chỉ ra".

Tại tỉnh Đồng Nai, các cơ quan chức năng của tỉnh đã ra quyết định khởi tố 16 vụ án và đang xác minh làm rõ, xử lý 22 vụ việc trong hơn một năm qua. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Đồng Nai, nhận định: "Đồng Nai thúc đẩy 38 vụ việc, trong đó có 22 vụ việc Ban chỉ đạo tỉnh là kiểm soát, thúc đẩy 3 vụ việc là Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, xử lý. Các vụ án, vụ việc đều được truyền thông đến nhân dân, để người dân hiểu được bản chất của từng vụ việc và vì sao phải xử lý như thế".

Ghi dấu ấn về chống tham nhũng trong nửa nhiệm kỳ Đại hội

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi có quyết định từ Trung ương, tất cả 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương hoạt động, tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động. Số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao. Số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên. Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh".

Những kết quả sinh động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều địa phương khác trong cả nước là minh chứng cụ thể cho sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tiếp tục đưa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam lên tầm cao mới, qua đó đóng góp tích cực  để hoàn thành những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu