Việt Nam tích cực đóng góp vào thành công của Diễn đàn kinh tế Đông Á

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cùng với khoảng 450 đại biểu là các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực, hôm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn kinh tế Đông Á (WEF Đông Á) 2013, tổ chức tại Myanmar.

(VOV5) - Cùng với khoảng 450 đại biểu là các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực, hôm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn kinh tế Đông Á (WEF Đông Á) 2013, tổ chức tại Myanmar. Là một trong những diễn đàn uy tín tổ chức hàng năm, WEF Đông Á là dịp để Việt Nam tiếp tục phối hợp với các nước trong khu vực thúc đẩy các sáng kiến, khuôn khổ hợp tác, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Diễn đàn kinh tế thế giới, cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các thành viên WEF.

WEF Đông Á 2013 với chủ đề là “Sự chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới hội nhập và phát triển toàn diện” diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi còn chưa bền vững, nhưng khu vực Đông Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 7,8% trong năm nay. Với quy mô kinh tế tăng nhanh, Đông Á đang ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn và do đó có điều kiện để tham gia ngày càng tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác quốc tế. Vai trò toàn cầu của Đông Á đã được thể hiện qua sự tham gia của các nước thành viên vào các cơ chế hợp tác như Liên hợp quốc, Nhóm các nước có nền kinh tế hàng đầu (G20), Tổ chức thương mại thế giới (WTO)… Đặc biệt, với 4 thành viên là đại diện ASEAN tại G20, Đông Á có khả năng đóng góp tích cực và đáng kể cho việc kiến tạo một cấu trúc mới hiệu quả hơn, dân chủ hơn cho nền quản trị toàn cầu.  


Việt Nam tích cực đóng góp vào thành công của Diễn đàn kinh tế Đông Á - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Đây là lần đầu WEF Đông Á được tổ chức tại Myanmar, quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng tại khu vực, đang đẩy mạnh cải cách phát triển đất nước, chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) vào năm 2014. Với sự tham gia của khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức trong và ngoài khu vực, hội nghị không chỉ thể hiện sự quan tâm của giới chức và cộng đồng doanh nghiệp đối với một đất nước Myanmar cởi mở và hội nhập nhiều hơn với thế giới, mà còn góp phần tăng cường trao đổi, hợp tác, tạo sức mạnh kinh tế tổng hợp của khu vực ASEAN nói riêng và cả Đông Á nói chung.

Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia WEF. Năm 2010, Việt Nam tổ chức thành công WEF Đông Á tại thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề "Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu", với 20 phiên họp chính, xoay quanh các chủ đề: Vai trò đang lên của châu Á; Những rủi ro toàn cầu; Lộ trình tăng trưởng xanh của châu Á và Năng lực cạnh tranh. Hội nghị này đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với các nhà lãnh đạo cấp cao ở khu vực, các tổ chức quốc tế uy tín và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Năm 2012, phát biểu tại WEF Đông Á ở Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Việt Nam tiếp tục phối hợp với các nước trong khu vực thúc đẩy các sáng kiến, khuôn khổ hợp tác hướng tới mục tiêu củng cố an ninh - hòa bình trong khu vực; nâng cao hiệu quả tham gia các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực Đông Á cũng như tích cực tham gia các hoạt động đối thoại, tư vấn chính sách, chủ động đề xuất và tham gia các sáng kiến nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Diễn đàn kinh tế thế giới. Theo định hướng đó, tại Diễn đàn lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể, tập trung các vấn đề hội nhập khu vực, trong đó chú trọng hợp tác kết nối khu vực, hợp tác trong cơ chế Hành lang kinh tế Đông - Tây..., chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài... Trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những thị trường ổn định và có tiềm năng phát triển để mở rộng đầu tư, thông qua WEF, Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu này, quảng bá tích cực về một đất nước Việt Nam đang hội nhập toàn diện và phát triển năng động, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội giao thương với nước ngoài; tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, WEF Đông Á 2013 còn là cơ hội để Việt Nam mở rộng đầu tư vào Myanmar, một thị trường đầy tiềm năng, nhưng chưa được khai thác với 60 triệu người tiêu dùng và một đội ngũ lao động giá rẻ. Tính đến nay, Việt Nam đã có dự án đầu tư vào Myanmar, trong đó nổi bật có dự án Trung tâm Thương mại 300 triệu USD của Hoàng Anh Gia Lai. Ngoài ra Tập đoàn Viettel cũng đang khẩn trương cung cấp dịch vụ viễn thông ở đất nước vừa mở cửa này.

Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại WEF Đông Á 2013 diễn ra tại Myanmar một lần nữa khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế và hình ảnh của Việt Nam trong khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với WEF, đồng thời góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và đẩy mạnh hợp tác song phương trên các lĩnh vực tiềm năng với Myanmar./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu