Việt Nam tập trung giảm nghèo bền vững

Minh Long
Chia sẻ
(VOV5)- Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (còn gọi là Chương trình 135) giai đoạn 3 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giúp người dân thoát nghèo bền vững, giải quyết những vấn đề quan trọng khi triển khai chính sách giảm nghèo tới tận xã, thôn, bản… là mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn này.

(VOV5)- Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (còn gọi là Chương trình 135) giai đoạn 3 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giúp người dân thoát nghèo bền vững, giải quyết những vấn đề quan trọng khi triển khai chính sách giảm nghèo tới tận xã, thôn, bản… là mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn này.

Thành quả đáng kể nhất phải kể đến là sau 16 năm thực hiện Chương trình 135, Việt Nam trở thành một trong số những quốc gia thành công nhất trên thế giới về giảm nghèo và phát triển kinh tế. Trong hơn 2 thập kỷ qua. Chương trình 135 đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng miền núi, dân tộc đặc biệt khó khăn; đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, bình quân đạt tới 3,6%/năm. Mặc dù Chính phủ và người dân đã đồng hành nhưng khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc và miền núi với các vùng khác trong cả nước vẫn còn chênh lệch khá xa. Khảo sát của Uỷ ban Dân tộc thuộc Chính phủ mới đây cho thấy vẫn còn 149 xã trong tổng số 9.000 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 67,2% thôn, bản chưa có đường trục giao thông bê tông; 202 xã chưa có điện đến trung tâm, 8.100 thôn, bản chưa được sử dụng điện; 32,2% số hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong khi đó, vẫn còn hơn 218 ngàn cán bộ cấp xã, thôn bản cần được tập huấn nâng cao kiến thức; 120.000 hộ nghèo thuộc các thôn bản giáp biên chưa tự túc được lương thực. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 3 Chương trình 135 là phải giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Việt Nam tập trung giảm nghèo bền vững - ảnh 1
Dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh : TTXVN

Ông Hoàng Văn Đoàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Hợp phần hỗ trợ sản xuất trong giai đoạn 3 của Chương trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người vươn lên thoát nghèo vì hiện nay, các hộ nghèo không có khả năng để mua các giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao thu nhập vì vậy sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết trong việc trợ giá, trợ cước cây trồng vật nuôi.

Theo ông Đinh Công Nén, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, một trong số những vấn đề mà hầu hết các địa phương miền núi nơi có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống đang phải đối mặt đó là hạ tầng giao thông yếu kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tái nghèo cao do bà con không thể trực tiếp sản xuất và kết nối với thị trường trong tiêu thụ nông sản. Ông Đinh Công Nén cho rằng: Hầu hết đường giao thông trên địa bàn đi lại rất khó khăn. Vì vậy, phải có đường cho bà con đi lại và vận chuyển tiêu thụ nông sản. Hiện nay chúng tôi đang tập trung đầu tư cho đường giao thông để giúp bà con tiêu thụ hàng nông sản sản xuất ra.

Việt Nam tập trung giảm nghèo bền vững - ảnh 2
Hộ gia đình dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) vay vốn lãi suất 0% mua trâu sinh sản. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết giai đoạn 3 của Chương trình 135 ưu tiên đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất sẽ tạo ra những đột phá trong việc huy động nguồn lực đầu tư, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân những xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Mức đầu tư dự tính hàng năm cho mỗi xã trước mắt vẫn là 1 tỷ đồng, sau đó từ năm 2015 dựa trên tình hình thực tế kinh tế xã hội sẽ nâng lên khoảng 2,5 tỷ cho một xã nghèo. Để đạt được mức đầu tư này, vấn đề đặt ra là cần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Khi đó, vai trò đầu tư của Nhà nước chỉ là là chất “xúc tác” thu hút đầu tư nguồn lực của toàn xã hội vào lĩnh vực Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các xã miền núi, vùng sâu vùng xa. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn phân tích: Để thu hút đầu tư về nông thôn thì phải nghiên cứu các cơ sở hạ tầng mà các doanh nghiệp muốn đầu tư. Cơ sở hạ tầng như thế nào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Khi đã xác định được danh mục ưu tiên thì kiên quyết đầu tư. Nhà nước có thể làm một, tư nhân làm ba, bốn, còn  nông dân có thể tham gia bằng đóng góp đất. Muốn làm được như thế thì nhà nước nên hết sức tập trung xúc tác, tập trung vào hướng vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  

Việt Nam tập trung giảm nghèo bền vững - ảnh 3
Cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hướng dẫn đồng bào Mông xã Tà Xi Láng cách chăm sóc ngô. Ảnh: Phương Thùy

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết giai đoạn 3 của chương trình 135 sẽ có nhiều điểm mới để chương trình triển khai hiệu quả hơn. Một trong những điểm mới đó là thời gian thực hiện các chính sách trong chương trình dài hạn hơn, khoảng 5 năm đến 10 năm, để các địa phương có thời gian triển khai, áp dụng, nhìn nhận, đánh giá tiến trình thực hiện. Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định: Các điểm mới của chương trình là kế thừa nội dung của giai đoạn 2 mà mục tiêu đã đề ra nhưng chưa hoàn thành phải tiếp tục giải quyết. Nội dung mới nữa là đào tạo nguồn nhân lực. Muốn có chất lượng tốt, triển khai chính sách tốt để vào cuộc sống được hay không thì phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ quản lý điều hành.

Mục tiêu giảm số hộ nghèo xuống còn 5% vào năm 2015 của Việt Nam là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự thay đổi căn bản cả về cơ chế chính sách và nguồn lực đầu tư. Cùng với những kết quả đã đạt được, những nỗ lực mới trong việc thực hiện giai đoạn 3 chương trình 135 sẽ tiếp tục góp phần phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thiết thực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu