Việt Nam phấn đấu thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi song cũng không ít thách thức.

(VOV5) - Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi song cũng không ít thách thức.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sáng 21/3/2016, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Kế hoạch đề ra các mục tiêu tổng quát và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua trong kỳ họp này.  

Việt Nam phấn đấu thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội  - ảnh 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội (Ảnh VGP)


Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới đặt mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.


Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 USD – 3500USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65% - 70%. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số.



Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội


Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong 5 năm 2016 – 2020, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp. Điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Khai thác tốt các cam kết quốc tế, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam,phát triển mạnh thị trường trong nước".


Việt Nam cũng đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh - bền vững. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng tham gia mạng phân phối toàn cầu.Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, khai thác và chế biến hải sản , các dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch biển đảo".


Việt Nam cũng sẽ triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối vốn đầu tư của Nhà nước và tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.


Chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu


Một trong những nội dung ưu tiên của việt Nam trong 5 năm tới là chú trọng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Theo đó, Việt Nam tăng cường quản lý nhà nước, chủ động hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô; nâng cao năng lực giám sát biến đổi khí hậu, thực hiện hiệu quả các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đưa ra tại COP 21.


Giữ vững chủ quyền quốc gia, chủ động hội nhập quốc tế


Trong 5 năm tới, Việt nam tiếp thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại. Đề cập nhiệm vụ này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường hòa bình để xây dựng và phát  triển đất nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng;nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc. Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, tạo thuận lợi để Kiều bào tham gia xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc".


Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi song cũng không ít thách thức. Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động sau khi kế hoạch được Quốc hội thông qua để triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu