Chính phủ Việt Nam nỗ lực vượt qua thử thách, quyết tâm đạt mục tiêu “kép” vừa kiểm soát, khống chế dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và tích cực hội nhập quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ như vậy khi trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/10.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tại tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/10. - Ảnh: quochoi.vn |
Thủ tướng cho biết năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015
Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.- Ảnh: VOV.vn |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác.Nhờ khống chế được dịch góp phần kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. "Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập".
Mục tiêu tổng quát năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và 5 năm 2021-2025,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới".
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021; trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm…
Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD...Thủ tướng chính phủ cũng nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.