Việt Nam nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Kể từ năm 1975 đến nay, hơn 42.000 người chết, 62.000 người bị thương do bom mìn, vật nổ. Cùng với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã chi mỗi năm khoảng 100 triệu USD để khắc phục hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ trong đó có việc đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân, đồng thời phát triển kinh tế xã hội ở những địa phương bị ô nhiễm bom mìn.
(VOV5) - Kể từ năm 1975 đến nay, hơn 42.000 người chết, 62.000 người bị thương do bom mìn, vật nổ. Cùng với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã chi mỗi năm khoảng 100 triệu USD để khắc phục hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ trong đó có việc đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân, đồng thời phát triển kinh tế xã hội ở những địa phương bị ô nhiễm bom mìn.

Việt Nam nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn - ảnh 1

Số lượng bom, mìn do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là trên 15 triệu tấn, nhiều gấp gần 4 lần số bom, đạn các nước sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Kết thúc chiến tranh, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Tổng diện tích bị ô nhiễm bom, mìn ở Việt Nam là khoảng 6,6 triệu hécta, chiếm trên 20% diện tích đất đai cả nước. Số bom, mìn chưa nổ nằm rải rác hầu hết ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó nhiều nhất là tại các tỉnh miền Trung. Đặc biệt có địa phương có 80% diện tích bị ô nhiễm.

Bom mìn, vật nổ gây hậu quả nặng nề

Theo tính toán của cơ quan chức năng, muốn rà phá hết bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam phải mất hàng trăm năm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban chỉ đạo 504), cho biết: Tình trạng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn còn hiện hữu ở hầu hết các địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của mỗi địa phương và đã gây nhiều hậu quả thương tâm đối với cuộc sống của người dân. Bình quân mỗi năm ở Việt Nam có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra, trong đó có rất nhiều trẻ em.


Theo ước tính, để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD, chưa kể hàng tỷ USD khác cho việc tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn.

Việt Nam nỗ lực khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ nhằm giải phóng đất đai, đưa nhân dân về sinh sống. Mỗi năm, Việt Nam dành  nguồn kinh phí khoảng 30 triệu USD cho công tác rà phá bom mìn. Khoảng 50 triệu USD khác được đầu tư cho hoạt động tái định cư, an sinh xã hội ở vùng bị ô nhiễm bom mìn và các hoạt động giáo dục về hiểm họa bom, mìn, hỗ trợ nạn nhân. Hướng tới mục tiêu khắc phục bền vững tình trạng ô nhiễm bom mìn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2015 (gọi tắt là Chương trình 504), với mục tiêu “Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu cũng như tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội”. Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (Trung tâm VNMAC) cũng được thành lập với nhiệm vụ tổ chức, điều hành, phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 504 và là đầu mối thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Công tác khắc phục hậu quả bom mìn thời gian qua của Việt Nam đã đạt được kết quả rất quan trọng. Hàng vạn hécta đất đai đã được giải phóng khỏi bom mìn, vật liệu nổ. Việt Nam cũng đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ bom mìn. Nhiều dự án rà phá bom mìn tại các khu vực bị ô nhiễm về bom mìn được triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy vậy, do hậu quả để lại của chiến tranh là quá lớn nên nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hoà nhập vào đời sống xã hội còn rất khó khăn, nặng nề.


Tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết ô nhiễm bom mìn

Những năm qua, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, đã hỗ trợ một số trang thiết bị, kinh phí, trị giá hàng chục triệu USD để Việt Nam khắc phục, giải quyết hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Một số nước như Đức, Austalia, Ireland, Đan Mạch, Anh... và gần 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tham gia hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực: rà phá bom mìn, giáo dục nhận thức về bom mìn cho cộng đồng và hỗ trợ nạn nhân. Từ năm 2004, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã giành cho Việt Nam khoản tài trợ 5 triệu USD trong vòng 5 năm để giáo dục nhận thức bom mìn cho trẻ em lứa tuổi nhi đồng ở 6 tỉnh là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng. Đặc biệt, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ hơn 65 triệu USD từ Chính phủ Hoa Kỳ về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Mới đây, Chính phủ hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear, cho biết: Văn bản được ký sẽ thiết lập một khuôn khổ song phương dài hạn cho việc hợp tác nhân đạo về hành động bom mìn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoa Kỳ mong tới ngày người dân Việt Nam không còn bị đe dọa bởi bom mìn chưa nổ. Chúng ta có một khối lượng rất lớn công việc phía trước nhưng bằng sự hợp tác, chúng ta đã và đang đạt được những kết quả quan trọng để có một môi trường sống an toàn hơn cho người dân Việt Nam.


Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam được quốc tế đánh giá là chương trình lớn nhất trên thế giới và Việt Nam là một tấm gương cho các nước sau chiến tranh khác học tập. Cùng với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phấn đầu để một ngày gần nhất, trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không còn bom mìn, vật nổ và người dân được sống an toàn, hạnh phục, đất nước ngày càng phát triển./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu