Việt Nam - Hà Lan:Từ quan hệ giao thương đến hợp tác hữu nghị

Chia sẻ
(VOV5) - Bắt đầu từ mối quan hệ giao thương trong lịch sử, đến nay quan hệ Việt Nam- Hà Lan đã qua một chặng đường nhiều thành quả tốt đẹp.

(VOV5) - Mối quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hà Lan chỉ mới tồn tại trong 41 năm qua nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước đã có từ nhiều năm trước đó. Vào năm 1633, con tàu đầu tiên thuộc Công ty Đông Ấn Hà Lan đã tới Việt Nam để mua gạo, lụa, sành sứ…. bắt đầu mối quan hệ giao thương giữa hai nước. Cho đến nay, quan hệ Việt Nam và Hà Lan đã trải qua nhiều chặng đường phát triển, ở nhiều lĩnh vực.

Cùng với đó, các chuyến thăm cấp cao thường xuyên của Hà Lan và Việt Nam là một minh chứng rõ rệt về mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước. Năm 2011, Thái tử kế vị và Công chúa Maxima đã đến Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến thăm Hà Lan. Vào dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt  Nam – Hà Lan, nhiều hoạt động được tổ chức tại Hà Lan và Việt Nam trong suốt năm 2013.

Việt Nam - Hà Lan:Từ quan hệ giao thương đến hợp tác hữu nghị - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh Chinhphu.vn)

Hợp tác kinh tế và đối tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu

Về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại Việt Nam- Hà Lan không ngừng phát triển và tăng đều hằng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt nam tại Châu Âu. Năm 2013, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam- Hà Lan đạt 3,6 tỷ USD. Tính đến năm 2013, Hà Lan xếp thứ 11 trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 6,29 tỷ USD và 192 dự án. Một số dự án đầu tư trọng điểm của Hà Lan tại Việt Nam là Nhà máy điện Mông Dương trị giá 2,1 tỷ USD, Nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 410 triệu USD.

Việt Nam - Hà Lan:Từ quan hệ giao thương đến hợp tác hữu nghị - ảnh 2
Nhà máy Điện Phú Mỹ - một biểu tượng hợp tác Việt Nam - Hà Lan

Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Hà Lan. Nhiều điểm tương đồng khiến cho hai nước trở thành đối tác và bạn bè một cách tự nhiên trong nhiều lĩnh vực. Trước hết, cả hai quốc gia đều có vùng đồng bằng rộng lớn và phải đối mặt với biến đổi khí hậu do nước biển dâng và lượng mưa lớn. Thứ hai, vì đều là các quốc gia ven biển có vị trí chiến lược trong khu vực nên hai nước đã trở thành đối tác trong các vấn đề hàng hải, vận tải và hậu cần. Hà Lan và Việt Nam là đối tác chiến lược trong quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự hợp tác này được khẳng định trong Hiệp định đối tác chiến lược (SPA) giữa hai nước, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Jan Peter Balkenendein ký vào tháng 10 năm 2010. Các cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ  về vấn đề này được tổ chức hằng năm để triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng chiến lược phát triển để vùng này trở thành một khu vực kinh tế phát triển và an toàn cho các thế hệ mai sau. Một minh chứng khác  cho sự hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu là Rotterdam và Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác trong Chương trình "Thành phố Hồ Chí Minh hướng ra biển". Ngoài ra, Chương trình "Dịch vụ nước & khí hậu đối với quản lý nước xuyên biên giới" của 30 tổ chức Hà Lan với các đối tác Việt Nam về việc sử dụng thông tin vệ tinh cho quản lý nước cũng đang được triển khai thực hiện.

Hợp tác về giáo dục, y tế vì an sinh xã hội

Giáo dục đại học cũng đóng vai trò quan trọng trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hà Lan. Từ giữa năm 1970, Hà Lan đã cấp nhiều chương trình học bổng cho Việt Nam, thông qua các Chương trình học bổng Hà Lan (NFP).Thông qua Sáng kiến Hà Lan về hợp tác trong giáo dục đại học (NICHE), hơn 10 triệu EUR được đầu tư nhằm tăng cường giáo dục sau phổ thông của Việt Nam. Chương trình tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đại học của Việt Nam, nơi có nhu cầu lớn về kiến thức chuyên môn của Hà Lan như nông nghiệp, quản lý tài nguyên nước tổng hợp và biến đổi khí hậu và giáo dục nghề nghiệp cho bậc học cao hơn. Hà Lan là một trong những nhà tài trợ song phương tích cực nhất trong việc giúp đỡ Việt Nam chống lại bệnh lao và HIV/AIDS. Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV), đã có hơn 45 năm hoạt động tại Việt Nam, là một ví dụ rõ ràng về sự hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa hai quốc gia.

Bắt đầu từ mối quan hệ giao thương trong lịch sử, đến nay quan hệ Việt Nam- Hà Lan đã qua một chặng đường nhiều thành quả tốt đẹp. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte lần này được cho là một dấu mốc mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam- Hà Lan./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu