Việt Nam góp phần kết nối cùng G20

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có chủ đề “Định hình một thế giới kết nối” và dự kiến sẽ diễn ra 5 phiên thảo luận với ba trọng tâm nghị sự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) từ ngày 5-8/7. Chuyến thăm không chỉ góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên G20 nói chung, phát triển sâu rộng hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, mà còn là cơ hội để Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến, định hình một thế giới kết nối cùng G20 với tư cách là chủ nhà APEC 2017.

Việt Nam góp phần kết nối cùng G20 - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Đức, Angela Merkel bên lề Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11). Ảnh: TTXVN 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Cộng hòa Liên bang Đức trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức đang phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên G20 phát triển tốt đẹp. Hiện 10 nước thành viên G20 có quan hệ đối tác chiến lược và 02 nước thành viên có quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam.

Tiềm năng lớn cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Cộng hòa Liên bang Đức

Sau hơn năm năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, Đức đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt trên dưới 10 tỷ USD và nhiều lĩnh vực hợp tác đã có những kết quả cụ thể. Theo Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn và trải rộng trên tất cả mọi lĩnh vực. Sự bổ sung giữa hai nền kinh tế hiện rất lớn: “Đức là một nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, là một nước tiên tiến hàng đầu thế giới, công nghiệp có độ cơ khí chính xác cao, môi trường tuyệt vời. Các bang của Đức rất lớn và đứng độc lập với chính quyền Trung ương. Ví dụ có bang 10 triệu dân thì GDP 480 tỷ USD, gấp hơn 2 lần kinh tế Việt Nam và họ có rất nhiều tiềm năng. Đáng mừng là hiện nay Đức cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam”.

Mong muốn này được thể hiện qua việc đích thân nhà lãnh đạo Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm rất sớm, trong khi thông thường những chuyến thăm này phải sắp xếp trong thời gian rất dài. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này đóng góp rất ý nghĩa cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Thông qua các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo Đức, hai bên sẽ hiểu nhau hơn và sẽ có những cam kết mạnh mẽ trong hợp tác. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Đức, đang rất quan tâm tới Việt Nam, cũng mong nhận được những đảm bảo và thông điệp mạnh mẽ từ Thủ tướng để tạo thành xung lực mới cho hợp tác song phương. Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng: “Không chỉ Việt Nam mà cả phía Đức, tôi cho rằng đây là cơ hội rất lớn. Nhiều người bạn Đức đã từng chia sẻ với tôi rằng trước đây họ chưa chú ý đúng mức tới Việt Nam và họ thấy Việt Nam thực sự đang là nước đi đầu trong việc mở cửa thị trường. Họ cho rằng đây là cơ hội rất lớn và hai bên phải đón cơ hội đó để kết nối hai nền kinh tế.

Việt Nam đóng góp vào định hình một thế giới kết nối

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có chủ đề “Định hình một thế giới kết nối” và dự kiến sẽ diễn ra 5 phiên thảo luận với ba trọng tâm nghị sự, gồm: Tạo dựng nền tảng tự cường; tăng cường tính bền vững; tăng cường trách nhiệm. Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20. Trọng tâm nghị sự của G20 lần này có nhiều nội dung tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam và APEC trong “Năm APEC 2017” với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Cả hai diễn đàn đều đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, tăng cường liên kết thương mại và đầu tư, khuyến khích đổi mới - sáng tạo, xử lý các vấn đề về kinh tế, xã hội, lao động, việc làm trong nền kinh tế số hóa dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hợp tác chống biến đổi khí hậu,... Điểm đáng lưu ý là có tới 9 thành viên G20 là các nền kinh tế thành viên APEC. Đây là điểm thuận lợi để G20 và APEC, với tư cách các diễn đàn quan trọng hàng đầu thế giới, chia sẻ và phối hợp xử lý các vấn đề chung của kinh tế toàn cầu. Là nước chủ nhà của Hội nghị APEC 2017, Việt Nam xác định tham gia một cách tích cực và xây dựng vào các tiến trình của G20 và Hội nghị thượng đỉnh, cùng phối hợp với nước chủ nhà Đức để cùng tìm ra giải pháp cũng như lôi kéo các nền kinh tế thành viên tham gia tìm kiếm giải pháp sẽ là động lực giúp hai hội nghị quốc tế quan trọng thành công, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của thế giới.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, chuyến thăm Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhằm củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, đồng thời truyền tải thông điệp về hình ảnh một Việt Nam phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm tìm giải pháp cho vấn đề chung, qua đó nâng cao uy tín, vai trò cũng như ảnh hưởng của Việt Nam trên thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu