Việt Nam đóng góp tích cực trong hợp tác ASEM

Chia sẻ
(VOV5) - Hôm nay (20/4), Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21” do Việt Nam đăng cai tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Đây là một trong những nỗ lực của Việt Nam để góp phần nâng tầm hợp tác của Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) và nâng cao hiệu quả đóng góp của Việt Nam trong ASEM, trong bối cảnh các thành viên Á – Âu đang hướng tới Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn.   

(VOV5) - Hôm nay (20/4), Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21” do Việt Nam đăng cai tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Đây là một trong những nỗ lực của Việt Nam để góp phần nâng tầm hợp tác của Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) và nâng cao hiệu quả đóng góp của Việt Nam trong ASEM, trong bối cảnh các thành viên Á – Âu đang hướng tới Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn.   

      

Việt Nam đóng góp tích cực trong hợp tác ASEM - ảnh 1

Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) đã được thành lập vào tháng 3/1996. Sau 20 năm hình thành và phát triển, ASEM khẳng định vị thế là diễn đàn đối thoại và hợp tác quan trọng và có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế.

Dấu ấn 2 thập kỷ hình thành và phát triển của ASEM

Từ 26 thành viên sáng lập, ASEM đã phát triển nhanh chóng, tăng gấp đôi về số lượng, trở thành đại gia đình của 53 thành viên, trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 nước G20, đại diện cho khoảng 62% dân số thế giới, chiếm 57% GDP và khoảng 68% thương mại toàn cầu. 20 năm qua, ASEM đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thúc đẩy quan hệ đối tác bình đẳng, nhiều mặt giữa hai châu lục. ASEM đã có tiếng nói kịp thời đối với các mối quan tâm chung của khu vực và quốc tế. Thông qua đối thoại xây dựng, các thành viên ASEM chia sẻ nhận thức chung về việc tăng cường đối thoại và hợp tác trên cơ sở hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng ở hai khu vực.

Có thể nói, chặng đường hai thập kỷ phát triển vừa qua đã khẳng định vai trò và đóng góp ngày càng thiết thực của ASEM vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tăng cường hợp tác và kết nối giữa hai châu lục quan trọng, đóng góp vào quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Bước vào thập niên thứ ba, ASEM chú trọng đổi mới và nâng tầm hoạt động, đưa hợp tác Á - Âu đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả phù hợp với tình hình mới. Vấn đề này sẽ được các Lãnh đạo trao đổi cụ thể tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 ở Mông Cổ vào tháng 7/2016.

Việt Nam đóng góp tích cực trong ASEM

Việc tham gia Diễn đàn ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996 đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 20 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Diễn đàn.

Việc tham gia ASEM gắn liền với quá trình Đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Sự hợp tác chặt chẽ với các thành viên và tham gia tích cực vào ASEM đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Các thành viên ASEM đều là các đối tác kinh tế thương mại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, chiếm khoảng 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch quốc tế. 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM. Những con số này phản ánh phần nào sự hợp tác kinh tế hiệu quả giữa Việt Nam và các nước ASEM. Bên cạnh đó, trong bối cảnh môi trường hòa bình, an ninh trên thế giới và khu vực đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh giữa các nước lớn phức tạp, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên ASEM để ngày càng có nhiều thành viên đề cao lợi ích chung trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định để phát triển, lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc, chuẩn mực chung. ASEM cũng là diễn đàn quan trọng để Việt Nam đa phương hóa và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác. Và cũng thông qua ASEM, Việt Nam có thêm kinh nghiệm hợp tác về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai, một lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần.

Tiếp tục đồng hành cùng ASEM

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục đổi mới sâu rộng, tái cơ cấu kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện. Các đối tác Á- Âu nói chung và Diễn đàn ASEM nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng. Một trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục cùng đồng hành hiệu quả hơn với các thành viên và đóng góp một cách chủ động, thiết thực hơn vào nỗ lực chung của ASEM và toàn cầu. Đối với Việt Nam, trong triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương của mình, ASEM sẽ tiếp tục là một trong những cơ chế đối thoại, hợp tác liên khu vực quan trọng để tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực thiết thực góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu