Vì một ASEAN phát triển bền vững

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và một số hội nghị liên quan đang diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện lớn trong hợp tác ASEAN về môi trường được tổ chức định kỳ 3 năm/lần. 
(VOV5)- Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và một số hội nghị liên quan đang diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện lớn trong hợp tác ASEAN về môi trường được tổ chức định kỳ 3 năm/lần.


Với mục tiêu hướng tới là “một ASEAN xanh và sạch”, Hội nghị lần này nhằm thiết lập cơ chế hợp tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác trong bối cảnh mới khi ASEAN trở thành cộng đồng, phục vụ cho sự phát triển bền vững của ASEAN trong thời gian tới,

Cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 trên cơ sở 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN dự kiến sẽ mở ra một chương mới của kết nối hợp tác khu vực, trong đó có hợp tác về bảo vệ môi trường. 

Vì một ASEAN phát triển bền vững - ảnh 1
Thủ tướng dự Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (Ảnh: Nhật Bắc)

Sớm thành lập cơ chế hợp tác về môi trường
ASEAN là khu vực có hệ sinh thái phong phú và nguồn tài nguyên đa dạng. Chính vì vậy, hợp tác bảo vệ môi trường là một trong những lĩnh vực trọng tâm hợp tác được đưa ra ngay từ những đầu khi mới thành lập Hiệp hội và luôn được các quốc gia thành viên thúc đẩy. 

Từ năm 1977, ASEAN đã bắt tay vào việc soạn thảo Chương trình môi trường tiểu khu vực ASEAN với sự trợ giúp của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, đánh dấu mở đầu quá trình hợp tác bảo vệ môi trường trong khu vực. Năm 1981, ASEAN lần đầu tiên thông qua Chương trình Môi trường và ra bản Tuyên bố đầu tiên, trong đó nêu ra các mục tiêu và định hướng hợp tác của khu vực. Sau này nhiều văn kiện khác đã được thiết lập như Kế hoạch hành động chiến lược về Môi trường (1994-2010), Chương trình Hành động Viên Chăn (2004-2010), Kế hoạch Hành động Hà Nội (1999-2004), Tuyên bố ASEAN về Môi trường bền vững (2007); Tuyên bố Cấp cao Đông Á về Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường. Gần đây, hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường phát triển mạnh và ngày càng mở rộng. ASEAN đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thông tin kịp thời và phối hợp thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường có ý nghĩa thiết thực. Trong quá trình hợp tác ASEAN về môi trường, ASEAN đã nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ các quốc gia đối tác, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các hoạt động hợp tác ASEAN và ASEAN+3 này đã đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần tăng cường năng lực về quản lý môi trường và xây dựng các chính sách về phát triển bền vững tại mỗi quốc gia thành viên.

Hợp tác giải quyết các thách thức về môi trường
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và nguồn nước, đã trở thành vấn đề lớn tác động đến sự phát triển bền vững của khu vực và mỗi quốc gia. Do vậy, quan tâm hàng đầu của tất cả các nước thành viên ASEAN hiện nay là làm sao chung tay giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách đã và đang đặt ra. Cộng đồng ASEAN đi vào thực hiện vào cuối năm nay và Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015 đã được thiết lập với các khuôn khổ và quy định mới. Theo đó, ASEAN đặt mục tiêu xác định mục tiêu Cộng đồng ASEAN hướng tới là một ASEAN xanh và sạch với các cơ chế được thiết lập đầy đủ, phục vụ cho sự phát triển bền vững nhằm bảo đảm việc bảo vệ môi trường của khu vực, tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên và chất lượng cuộc sống cao của mỗi người dân. Trọng tâm cụ thể thực hiện trong giai đoạn này là bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở phát triển kinh tế, xã hội bao gồm quản lý và bảo tồn bền vững dầu mỏ, nguồn nước, khoáng sản, năng lượng, đa dạng sinh học, rừng, các tài nguyên biển và ven bờ, cũng như thúc đẩy việc đảm bảo chất lượng nguồn nước và không khí cho khu vực ASEAN. Cùng với đó, ASEAN tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozon cũng như phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường vì nhu cầu bảo vệ môi trường bền vững.

Hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN xanh và sạch
Để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN về một cộng đồng ASEAN xanh và sạch, bên cạnh việc thiết lập các cơ chế hợp tác, ASEAN đang thúc đẩy giáo dục và tạo điều kiện cho người dân tham gia rộng rãi vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện tại, ASEAN đã thành lập Nhóm làm việc về Giáo dục Môi trường, tập trung vào 5 hành động ưu tiên cần thực hiện trước mắt là: Đẩy mạnh nhà trường xanh ASEAN; Đào tạo lãnh đạo phát triển bền vững trong giáo dục Môi trường; Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá giáo dục môi trường; Lập mạng môi trường bền vững trong Thanh niên ASEAN và Tổ chức liên hoan phim ASEAN. ASEAN cũng đã thông qua Kế hoạch hành động giáo dục môi trường ASEAN giai đoạn 2014-2018 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục và tăng cường sự tham gia của công chúng trong vấn đề môi trường.

ASEAN đang tiến gần đến mốc trở thành một Cộng đồng. Dưới mái nhà chung gắn kết đó, các nước ASEAN đang nỗ lực chung tay giữ gìn môi trường của khu vực và thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu