Tương lai chính trị không sáng sủa tại Hy Lạp

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Liên tiếp trong hai ngày 13 và 14/5 (giờ địa phương), Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias buộc phải có các cuộc đàm phán với lãnh đạo 3 đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử trước thời hạn ở quốc gia này cũng như các đảng nhỏ khác để thoả thuận thành lập Chính phủ liên minh

Tương lai chính trị không sáng sủa tại Hy Lạp - ảnh 1
Chủ tịch Đảng Liên minh cánh tả Alexis Tsipras (trái) bắt tay cùng chủ tịch Đảng Dân chủ mới Antonis Samaras hôm 7-5 tại Athens
(VOV5) - Liên tiếp trong 2 ngày 13 và 14/5 (giờ địa phương), Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias buộc phải có các cuộc đàm phán với lãnh đạo 3 đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử trước thời hạn ở quốc gia này cũng như các đảng nhỏ khác để thoả thuận thành lập chính phủ liên minh. Tuy nhiên, nỗ lực của Tổng thống Karolos Papoulias khó trở thành hiện thực khi các đảng phái có quan điểm trái ngược về chính sách thắt lưng, buộc bụng nghiệt ngã mà Athens đang áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia Địa Trung Hải đối mặt với nguy cơ phải bầu cử lại và cũng làm tăng khả năng Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), rộng hơn nữa, tình hình này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới liên minh châu Âu.


Việc Tổng thống Hy Lạp phải đích thân chủ trì đàm phán vớ
i các chính đảng để thành lập chính phủ liên minh đã cho thấy bế tắc chính trị nghiêm trọng đang xảy ra tại quốc gia ở địa Trung Hải này. Đây được coi là những nỗ lực cuối cùng để giúp Hy Lạp tránh phải tiến hành bầu cử trước thời hạn một lần nữa vào tháng 6 tới nếu các đảng phái không thành lập được chính phủ mới muộn nhất vào ngày 17/5, thời điểm Quốc hội mới triệu tập phiên họp đầu tiên. Sở dĩ chính trường Hy Lạp rơi vào tình cảnh trớ trêu trên là do Chủ tịch đảng Liên hiệp cánh tả cấp tiến Syriza Alexis Tsipras, 1 trong 3 đảng giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội hơn 1 tuần trước, kiên quyết từ chối không tham gia bất kỳ Chính phủ nào có ý định thực thi các điều khoản trong thỏa thuận cứu trợ tài chính quốc tế dành cho Athens. Syriza muốn Hy Lạp rút khỏi thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ mà nước này đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2010. Nếu nhìn vào kết quả tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp trong thời gian gần đây có thể dễ dàng lý giải vì sao Syriza lại phản ứng như vậy. Theo thống kê, trong 2 năm áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, nền kinh tế Hy Lạp chẳng những không tăng trưởng mà lại thụt lùi. Năm 2012, quy mô nền kinh tế Hy Lạp nhiều khả năng tiếp tục bị thu hẹp thêm 6% và sẽ không tăng trưởng trong năm tới. Hy Lạp thậm chí chỉ có đủ tiền để trả lương và lương hưu cho đến cuối tháng 6 này. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 đã tăng lên mức 21,7%, một con số đáng báo động. Cử tri Hy Lạp cho rằng chính giải pháp tiết kiệm chi tiêu mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt cho các thành viên đã làm cho tình hình ở Hy Lạp thêm khó khăn.


Trong bối cảnh hiện nay, khả năng Hy lạp phải tiến hành cuộc bầu cử mới là khá rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định, tình huống này nếu có xảy ra thì cũng không chắc sẽ giải quyết được bế tắc chính trị hiện nay tại Hy Lạp. Nói vậy vì các cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Marc-Alpha TV tiến hành cho thấy, nếu cuộc bầu cử mới được tổ chức, Syriza sẽ vượt lên dẫn đầu với gần 24% phiếu ủng hộ, tiếp theo là Dân chủ mới với 17,4% phiếu và PASOK có thể chỉ đạt được tỷ lệ dưới 11%. Rõ ràng, kết quả này cho thấy vẫn không có đảng nào giành được trên 50% phiếu bầu để tự thành lập nội các. Và vòng luẩn quẩn để thành lập chính phủ liên minh lại tiếp tục diễn ra.


Song song với khả năng phải tiến hành bầu cử lại, nhiều nhà quan sát nhận định việc chưa có được một chính phủ đoàn kết đang gây rủi ro cho gói cứu trợ thứ hai mà EU dành cho Hy Lạp khi không có gì đảm bảo nước này sẽ thực thi các điều kiện đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone. Nếu khả năng này xảy ra, không chỉ Hy Lạp chấp nhận việc đồng nội tệ bị mất giá mạnh, lạm phát tăng và GDP sụt giảm ở mức hai con số mà các nước sử dụng đồng euro cũng sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế, tài chính và xã hội. Không cần dẫn chứng đâu xa, đồng euro đã chịu sức ép ngay trong phiên giao dịch ngày 14/5 tại châu Á, khi các nhà đầu tư theo dõi những diễn biến tại Hy Lạp trong việc thành lập chính phủ. Trong phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng euro giảm xuống 1,2888 USD và 103,07 yen, so với 1,2921 USD và 103,26 yen tại New York cuối tuần trước. Thậm chí, nhà kinh tế Daisuke Karakama ở Mizuho Corporate Bank còn nhận định đồng tiền chung châu Âu có thể giảm xuống dưới 1,25 USD và 100 yen nếu các đảng cánh tả chống các biện pháp khắc khổ ở Hy Lạp giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lại. Bế tắc chính trị tại Hy Lạp cũng đã khiến các nhà giao dịch bán ra các tài sản rủi ro, khiến đồng đôla Australia (AUD) xuống dưới tỷ suất ngang giá với đồng USD lần đầu tiên kể từ tháng 12/2011.


 Những gì đang diễn ra ở Hy Lạp trong suốt tuần qua cho thấy việc tháo gỡ những nút thắt chính trị tại quốc gia vùng Địa Trung Hải này là rất khó khăn, tiếp tục đặt Hy Lạp trước viễn cảnh không xây dựng được chính phủ liên minh, bởi những bất đồng từ các đảng phái liên quan.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu