Tự do báo chí - minh chứng rõ rệt của thành tựu nhân quyền

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5)- Những bước tiến vượt bậc về tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển quyền con người ở Việt Nam.
(VOV5)- Những bước tiến vượt bậc về tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam góp phần quan trọng vào sự phát triển quyền con người ở Việt Nam. Bài viết của BTV Đài TNVN trước thềm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 và trong bối cảnh Việt Nam sẽ trình bày báo cáo kết quả thực hiện khuyến nghị của phiên điều trần UPR ở kỳ họp lần thứ 18, tại phiên họp lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đang diễn ra tại Gieveva, Thụy Sỹ.

Tự do báo chí - minh chứng rõ rệt của thành tựu nhân quyền - ảnh 1

Nói về sự phát triển của báo chí Việt Nam, không thể không nhắc tới những con số ấn tượng. Theo đó, cả nước có tới gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ, hoạt động trong 838 cơ quan báo chí với gần  1.100 ấn phẩm; 1 hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình, 78 kênh phát thanh; 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử.

Hiện Ðài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Hơn 90% hộ gia đình Việt Nam đã sử dụng sóng truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam. Người dân Việt Nam còn được tiếp nhận thông tin của 75 kênh truyền hình nước ngoài và nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như CNN, AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times...

Tạo điều kiện để báo chí phát triển
Ðể bảo đảm cho hệ thống truyền thông theo kịp sự phát triển, bên cạnh các quy định cụ thể trong Hiến pháp, pháp luật, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan thông tin đại chúng làm tròn chức năng, nhiệm vụ và vì thế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam ngày càng được phát huy cao hơn. Biểu hiện cụ thể cho quan tâm này là Việt Nam đã có Luật Báo chí và tháng 11-2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua Luật Xuất bản sửa đổi, thể hiện sự nhất quán trong tôn trọng quyền phổ biến tác phẩm của cá nhân, phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Tiếp đó, tháng 7-2013, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 72 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, tạo hành lang pháp lý quan trọng để báo chí tiếp tục phát triển. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông đã và đang trong thời kỳ hoàn thiện, xây dựng Dự thảo Quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2020. Tôi tin tưởng rằng, quy hoạch này khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là cơ sở để chúng ta xây dựng một nền báo chí cách mạng không ngừng vững mạnh, vừa hiện đại, vừa có tính chuyên nghiệp cao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, sẽ có điều kiện để thực hiện tốt hơn nghĩa vụ, quyền lợi của công dân trong quá trình thực hiện tự do ngôn luận, tự do báo chí mà điều 15 của Hiến pháp 2013 đã nêu.

Trước đó, hệ thống chính sách khuyến khích internet phát triển phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm các quyền cơ bản của nhân dân đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 8 ở Châu Á về số lượng người sử dụng internet, đồng thời tạo điều kiện để hệ thống truyền thông gồm báo in, phát thanh truyền hình, báo mạng… phát triển vượt bậc.

Tự do báo chí giúp phát triển nhân quyền
Báo chí phát triển không chỉ giúp nhân dân Việt Nam thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, mà đó còn tạo ra các diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, sinh động để các tổ chức xã hội, mọi người dân đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện, đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của các cấp chính quyền, nâng cao dân chủ, bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền. Trong nhiều trường hợp, hệ thống truyền thông thật sự là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, nhất là kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam chủ động, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, phê phán hành vi vi phạm quyền công dân cùng những biểu hiện tiêu cực khác. Những cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được các phương tiện thông tin đại chúng công bố công khai... giúp người dân tiếp cận với các vấn đề quan trọng, từ đó có các ý kiến phản biện… Rõ ràng là ở một xã hội mà quyền con người được khẳng định và Nhà nước luôn tạo điều kiện để bảo đảm sự phát triển của quyền con người như ở Việt Nam, tự do báo chí và tự do ngôn luận đã có những bước tiến không thể phủ nhận và báo chí đã trở thành một phương tiện quan trọng trong bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền.

Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc đều khẳng định các quyền cơ bản này và Nhà nước Việt Nam đã luôn nghiêm túc tuân thủ các cam kết. Chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam về tự do ngôn luận và tự do báo chí sẽ ngày càng giúp người dân Việt Nam được hưởng các quyền này đầy đủ hơn để phát triển toàn diện và hài hòa, từ đó có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của xã hội./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu