Triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại đa phương vì hòa bình và thịnh vượng

Dũng - Hiền -Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 13/07 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu 11 (ASEM 11), tại thủ đô Ulanbator. Chuyến thăm là dịp để hai nước trao đổi những phương hướng hợp tác mới nhằm thúc đẩy quan hệ cũng như tăng cường hơn nữa vị thế vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
(VOV5) - Ngày 13/07 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu 11 (ASEM 11), tại thủ đô Ulanbator. Chuyến thăm là dịp để hai nước trao đổi những phương hướng hợp tác mới nhằm thúc đẩy quan hệ cũng như tăng cường hơn nữa vị thế vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại đa phương vì hòa bình và thịnh vượng  - ảnh 1



Chuyến thăm hữu nghị chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị cấp cao Á – Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj và Thủ tướng Mông Cổ Jargaltulga Erdenebat. Chuyến thăm diễn ra từ 13 - 16/7/2016.

 

Thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam – Mông Cổ

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954), Mông Cổ là một trong những nước luôn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mông Cổ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Về phần mình, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị hợp tác với Mông Cổ. Trên tinh thần ấy, Việt Nam và Mông Cổ thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn các cấp. Đáng chú ý có chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2013 của Tổng thống Mông Cổ Ts Elbegdor. Kể từ năm 1979, Việt Nam - Mông Cổ đã tiến hành 15 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, thúc đẩy hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ. Minh chứng cụ thể là hai nước đã ký kết nhiều hiệp định về văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật. Năm 2009, Việt Nam và Mông Cổ đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Trung tâm Văn hóa Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 ở Thủ đô Ulanbator. Chính sự kết nối về văn hóa-xã hội suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước đã giúp người dân hai nước thêm hiểu nhau, đoàn kết và gắn bó.

 

Tuy vậy, trong hợp tác kinh tế và thương mại, kết quả chưa như kỳ vọng. Đến năm 2015, kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ đạt gần 35 triệu USD. Lý do chính là vận chuyển hàng hóa hai chiều còn khó khăn, chi phí cao và chưa có đường bay trực tiếp từ Việt Nam sang Mông Cổ. 

 

Vì vậy, chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này là dịp để hai nước trao đổi những phương hướng và biện pháp hiệu quả, vừa duy trì mối quan hệ chính trị, vừa thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cả về kinh tế, nông nghiệp, văn hóa và giáo dục.

 

Khẳng định vai trò là thành viên tích cực của ASEM

Sau khi thăm chính thức Mông Cổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 diễn ra tại Ulanbator trong hai ngày 15 -16/7/2016. Với chủ đề “20 năm ASEM: Quan hệ đối tác vì tương lai thông qua kết nối”, Hội nghị Cấp cao ASEM 11 là cơ hội giúp Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá; thúc đẩy triển khai nhiều sáng kiến mà Việt Nam đi đầu khởi xướng trong ASEM.

 

Đối với Việt Nam, hợp tác ASEM luôn có ý nghĩa quan trọng. 20 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM. Đóng góp nổi bật nhất là Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 5 (2004), thúc đẩy thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng cho hợp tác như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”, “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh”....

 

Ngược lại, sự hợp tác chặt chẽ với các thành viên và tham gia tích cực vào ASEM đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Việt Nam.  Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Vụ trưởng Vụ hợp tác kinh tế đa phương (Bộ ngoại giao), cho biết: “Nhìn ở góc độ quốc gia, thành viên của ASEM chiếm hơn 1 nửa số đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam. Dưới góc độ kinh tế, chúng ta thấy sự hiện diện của các nước khu vực Châu Á và Châu Âu rất lớn. Hiện có 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM, với số thành viên đối tác là 47/53 nước thành viên, tạo ra một thị trường rộng lớn đối với doanh nghiệp cũng như là tạo các cơ hội học tập cho người dân”.

 

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Các đối tác Á- Âu nói chung và Diễn đàn ASEM nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc Đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam như lời khẳng định của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu toàn diện trong thế kỷ XXI” tổ chức tháng 4/2016, tại Hà Nội: “Việc đăng cai năm APEC 2017, hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào 2018 và các cam kết FTA thế hệ mới, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đối ngoại đa phương toàn diện – một trong những trụ cột lớn của đối ngoại Việt Nam. Trong nỗ lực đó, Việt Nam cam kết cùng đồng hành với các thành viên nâng tầm hợp tác ASEM, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEM lấy con người làm trung tâm, năng động, gắn kết và tự cường”.

 

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 11 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại rộng mở mà Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam đề ra, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương Việt Nam – Mông Cổ cũng như kết nối hai khu vực Á-ÂU; thúc đẩy hoà bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu