Triển khai đồng bộ việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Minh Châm
Chia sẻ

(VOV5) - Các bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chi phối tới nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật. Việc tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến được thực hiện qua những hình thức phù hợp với từng đối tượng, đồng thời bảo đảm chất lượng, khách quan và hiệu quả.

 

(VOV5) - Các bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật cơ bản nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chi phối tới nhiều đạo luật khác trong hệ thống pháp luật. Việc tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến được thực hiện qua những hình thức phù hợp với từng đối tượng, đồng thời bảo đảm chất lượng, khách quan và hiệu quả.

 
Triển khai đồng bộ việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)  - ảnh 1
Ảnh:laodong.com.vn

Để việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đạt kết quả tốt, đến nay, nhiều ngành, địa phương ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó có việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo nhân lực để phục vụ cho nhiệm vụ này. 

Nhiệm vụ trọng tâm được các ngành, địa phương ưu tiên chỉ đạo thực hiện trong quý I/2015

Tại Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân. Trong đó cùng với 10 nội dung trọng tâm lấy ý kiến, Sở cũng lựa chọn một số chuyên đề tổ chức hội nghị, hội thảo để các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp góp ý.

Bộ luật Dân sự là bộ luật quan trọng, bao trùm mọi quan hệ giao dịch dân sự. Do vậy, việc tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ các nội dung trong Dự thảo Bộ luật này là việc làm quan trọng và tùy theo nhận thức của từng nhóm đối tượng để có cách tuyên truyền cho phù hợp. Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ, cho biế: Sở Tư pháp xây dựng đề cương tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng khác nhau và với mỗi đối tượng sẽ có hình thức lấy ý kiến phù hợp.Trước mắt chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị để hướng dẫn những nội dung trong dự thảo mới cho đội ngũ báo cáo viên cấp thành phố, cấp quận, huyện. Sau đó chỉ đạo các sở, ban ngành tổ chức các hội nghị trong từng lĩnh vực, trong từng ngành để lấy ý kiến. Đối với nhân dân, sau khi hướng dẫn những nội dung mới cho bà con sẽ tổ chức lấy ý kiến bằng phiếu, đảm bảo đến từng hộ gia đình trên địa bàn thành phố.

 

Cùng với ngành tư pháp, các sở, ban ngành khác cũng tích cực triển khai nhiệm vụ này. Tại Khánh Hòa, 200 đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành, đoàn Luật sư, các huyện, thị xã, thành phố; đại diện một số trường học, các Báo cáo viên pháp luật tỉnh, cán bộ Pháp chế các cơ quan chuyên môn tham dự Hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Lãnh đạo tỉnh yêu cầu việc lấy ý kiến phải đảm bảo tiến độ thời gian theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Tại Hà Nam, tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành chức năng tổ chức lấy ý kiến về toàn bộ dự thảo Bộ luật Dân sự, trong đó tập trung những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động. Hội đồng nhân dân, UBND các huyện, thành phố tập trung những ý kiến về những nội dung liên quan đến đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán, ở địa phương và những vấn đề mà địa phương quan tâm. 

Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của tỉnh đặc biệt nhấn mạnh tới đối tượng lấy ý kiến, theo đó cần tập trung vào các đối tượng liên quan nhiều tới Bộ luật như: Ngân hàng, Doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể…

Đảm bảo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai

 

Các báo cáo viên pháp luật là hạt nhân giúp cho các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đạt hiệu quả, chất lượng. Trên tinh thần này, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho các báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Hội nghị báo cáo viên pháp luật cũng chính là để trang bị cho báo cáo viên pháp luật những kiến thức, những vấn đề chủ yếu liên quan đến những điều sửa đổi trong Bộ luật Dân sự để các báo cáo viên pháp luật về giúp cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến cho thật hiệu quả, chất lượng và tiết kiệm.

 

Ông Nguyễn Công Anh, Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Hà Nội, cho biết thành phố hiện có hơn 300 báo cáo viên và họ là lực lượng chủ yếu để tuyên truyền tại các quận, huyện, xã, phường:  Ngành Tư pháp Hà Nội sẽ tổ chức một buổi tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên. Chúng tôi sẽ mời các báo cáo viên của Bộ Tư pháp truyền đạt lại một lần nữa cho sâu hơn. Sau này chúng tôi sẽ lựa chọn những báo cáo viên có khả năng nhất để đi truyền đạt tại các hội nghị.

 

Cùng với việc chuẩn bị nhân sự, nhiều địa phương cũng sẵn sàng cơ sở vật chất để việc lấy ý kiến nhân dân được thuận tiện, rộng rãi, khoa học. Tại Hà Nam, tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bằng hình thức truyền hình trực tiếp tới các điểm cầu ở các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp. Tỉnh cũng đăng tải toàn bộ nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp và các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là một trong những dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Việc các ngành, địa phương, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về nội dung của dự thảo Luật một cách nghiêm túc, khẩn trương có ý nghĩa lớn trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về quan hệ dân sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có được Bộ luật Dân sự mang tính khả thi cao, theo kịp sự phát triển của đất nước./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu