Tranh luận trực tiếp, thời điểm quyết định lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn quyết định khi hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Hilary Clinton và tỷ phú Donald Trumph hôm nay bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình.
(VOV5) - Cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn quyết định khi hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Hilary Clinton và tỷ phú Donald Trumph hôm nay bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình. Các cuộc tranh luận này có ý nghĩa quan trọng, có thể tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với cả hai ứng cử viên, qua đó phần nào quyết định ai có thể trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.


Chỉ còn khoảng 1,5 tháng nữa là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Ngay từ bây giờ, cả hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đang chạy đua với thời gian nhằm tổ chức những chương trình vận động bầu cử, lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri.

Tranh luận trực tiếp, thời điểm quyết định lá phiếu cử tri  trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - ảnh 1
Hai ứng cử viên bắt tay nhau trước khi bước vào cuộc tranh luận trực tiếp.



Theo lịch trình, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ phải trải qua 3 vòng tranh luận từ nay đến ngày 8/11 tới. Cả ba cuộc tranh luận đều được tường thuật trực tiếp trên các kênh truyền hình lớn của Mỹ và cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra hôm nay (27/9) tại khán phòng Đại học Hofstra, New York.


Thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận

Tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên tổng thống trên sóng truyền hình trở thành một sự kiện thông lệ kể từ năm 1960. Các cuộc tranh luận trực tiếp này luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Mỹ. Cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ nhất giữa ông D.Trumph và bà H.Clinton thu hút lượng người xem cao kỷ lục, lên tới khoảng 100 triệu người xem, tức gần 1/3 dân số Mỹ. Con số này cao hơn nhiều so với số người xem tranh luận trực tiếp giữa Tổng thống Barack Obama với ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney 4 năm trước và vượt xa cả con số 80 triệu người xem ông Jimmy Carter và Ronald Reagon tranh luận năm 1980.

Tranh luận trực tiếp, thời điểm quyết định lá phiếu cử tri  trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - ảnh 2
Hai ứng cử viên "ăn miếng trả miếng" trực tiếp trên truyền hình. (Ảnh: AFP)



Trong vòng 90 phút tranh luận, mỗi ứng cử viên sẽ trình bày quan điểm cũng như đưa ra các luận điểm nhằm phản đối lập trường của đối phương trong 6 vấn đề có liên quan đến chủ đề của cuộc tranh luận. Đối với mỗi chủ đề, người dẫn chương trình sẽ đặt câu hỏi và các ứng cử viên sẽ phải trả lời trong vòng 2 phút. Ba chủ đề của cuộc tranh luận đầu tiên trong mùa bầu cử năm nay là hướng đi tương lai của nước Mỹ, làm thế nào đạt thịnh vượng và đảm bảo an ninh cho Mỹ.  Các vấn đề liên quan đến chủ đề này đã được chủ tọa của cuộc tranh luận gửi tới hai ứng cử viên tổng thống trước 1 tuần để hai người có thời gian chuẩn bị và nghiên cứu những điểm mạnh yếu của đối phương.


Cuộc đua quyết liệt giữa hai ứng cử viên

Sau 90 phút tranh luận tại Hội trường Đại học Hofstra ở Hempstead, thành phố New York, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Cả hai đều tranh thủ diễn đàn này để công kích các quan điểm chính sách của nhau và bà Hillary được đánh giá là gây ấn tượng mạnh hơn trong cuộc tranh luận. Theo kết quả thăm dò nhanh internet được trang mạng fortute.com thực hiện ngay sau cuộc tranh luận, bà Hillary được đánh giá màn trình diễn ấn tượng hơn với 54% số phiếu bầu, trong khi ông Trump nhận được 45% số phiếu”.


Mặc dù đang dẫn trước đối thủ trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, bà Clinton vẫn tỏ ra hết sức thận trọng. Cách đây vài tuần, ê-kíp tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ đã bổ nhiệm hai cố vấn lâu năm là Ron Klain và Karen Dunn phụ trách nội dung các bài diễn văn. Bên cạnh việc “mổ xẻ” những đề xuất chính sách của ông Trump, bà cũng nghiên cứu các video vận động tranh cử của tỷ phú này để tìm ra điểm yếu của đối thủ. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, mặc dù sở hữu bề dày kinh nghiệm hoạt động trên chính trường Mỹ, bà Clinton vẫn cần phải hết sức thận trọng trước khả năng diễn thuyết và thu hút đám đông của đối thủ Donald Trump, một nhân vật đã quen mặt trên các chương trình truyền hình.


Trong khi đó, tỷ phú bất động sản Trump đang nắm trong tay những con “át chủ bài” giúp ông chiếm lợi thế trước đối thủ trong các cuộc tranh luận sắp tới. Nổi bật trong đó là cựu giám đốc kênh truyền hình Fox News Roger Ailes, người có thể hỗ trợ ông về kỹ năng và chiến thuật tranh luận. Sự thiếu kinh nghiệm chính trường của ông Trump có thể được hỗ trợ bởi Trung tướng về hưu Mike Flynn, người từng giữ chức giám đốc Cục quân báo (Bộ Quốc phòng Mỹ) trong giai đoạn 2012-2014.


Cử tri Mỹ trông đợi điều gì?

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay diễn ra vào thời điểm phần lớn người dân Mỹ không hài lòng với nền kinh tế, dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhưng sức khỏe nền kinh tế Mỹ nói chung vẫn khiến cử tri lo ngại. Vì vậy, những chính sách cụ thể đề vực dậy nước Mỹ và hoạch định chiến lược cho tương lai là điều mà người dân nước này muốn nghe. Làm sao để tăng lương tối thiểu, phát triển giáo dục và hệ thống y tế, bình đẳng giới, chắc chắn là những chủ đề thu hút sự quan tâm của cử tri. Tập trung vào khai thác những chính sách thiết thực cho chính người dân Mỹ sẽ là điểm cộng của mỗi ứng cử viên trong giai đoạn nước rút của cuộc chạy đua trở thành người đứng đầu Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu