TPP: Khi Hoa Kỳ không tham gia

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 23/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
(VOV5) - Ngày 23/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Bằng sắc lệnh này, Tổng thống D. Trump hiện thực hóa cam kết được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 và Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.


TPP: Khi Hoa Kỳ không tham gia - ảnh 1
Tháng 2/2016, các bộ trưởng của 12 nước đã ký xác thực lời văn hiệp định TPP.

TPP được đề xuất và thảo luận suốt 10 năm qua và chính thức đạt được sự đồng thuận của đại đa số thành viên trong năm 2016. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 nước được coi là thỏa thuận “kim chỉ nam” cho hoạt động thương mại toàn cầu. TPP sẽ chỉ có hiệu lực nếu như nhận được sự phê chuẩn của quốc hội tại ít nhất là 6 quốc gia thành viên chiếm ít nhất là 86% tổng GDP của tất cả các bên tham gia hiệp định. Riêng Mỹ đã chiếm tới hơn 60% GDP của 12 nước tham gia TPP cộng lại.


Lý do Mỹ không mặn mà với TPP


TPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Mỹ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TTP hồi tháng 10/2015. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.


Với Mỹ, ngay từ khi cuộc bầu cử Tổng thống đang ở hồi gay cấn, “số phận” của TPP dường như đã có câu trả lời bởi cả hai ứng cử viên là ông Donald Trump của đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ đều tỏ ra không ủng hộ thông qua TPP, một trong những di sản lớn mà người tiền nhiệm Barack Obama để lại. Lý do là bởi người Mỹ ngày càng cảm nhận rõ nét những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, một trong những nguyên nhân khiến Anh trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hơn 8 năm qua, kinh tế Mỹ phục hồi chậm kéo theo thực trạng bất bình đẳng thu nhập, bất công xã hội và sản xuất bị thu hẹp. Do vậy, nhiều người Mỹ đổ lỗi cho nền kinh tế đất nước nói riêng và toàn cầu hóa nói chung.


Trong bối cảnh đó, Ông Trump vốn là người ủng hộ tự do thương mại và đề xuất hoàn tất Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ, áp 35%-45% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mexico và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump lại kịch liệt phản đối TPP và cho đây là một “thỏa thuận khủng khiếp”. Do vậy, việc đầu tiên khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ là chấm dứt số phận của TPP không ngoài dự đoán


Tương lai của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
?


Ngay sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp chính thức rút Mỹ khỏi TPP, dư luận quốc tế đã có những phản ứng trái chiều. Nhật Bản cho biết sẽ "tận dụng mọi cơ hội" để thuyết phục tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về ý nghĩa của việc duy trì là một bên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). New Zealand thì cho biết nước này đang bàn về "Kế hoạch B" đối với TPP và có khả năng Trung Quốc sẽ tham gia. Đức nhận định rằng các doanh nghiệp nước này có thể tận dụng lợi thế để nắm bắt những cơ hội kinh doanh tại châu Á và Nam Mỹ nhờ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, sau khi Washington rút khỏi TPP. Trong khi đó, trong nội bộ nước Mỹ đã có những tiếng nói phản đối mạnh mẽ. Ngày 23/1, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, thượng nghị sỹ John McCain đã ra tuyên bố chỉ trích hành động này là “một sai lầm nghiêm trọng.” 


TPP không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa địa chính trị. Thỏa thuận bao gồm các nguyên tắc xuyên biên giới liên quan tới các vấn đề sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp quốc tế và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. TPP tham vọng đạt được một sự thống nhất quốc tế và chi phối các vấn đề kinh tế đang nổi lên toàn cầu. Xét từ quan điểm kinh tế thì sẽ không có nhiều tổn thất đối với nền kinh tế thế giới nếu như TPP đi vào quên lãng. Thậm chí, sự sụp đổ của nó có thể là tiền đề và mở ra nhiều cơ hội cho các giải pháp kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng điều đáng lo ngại là sự đổ vỡ của TPP sẽ tạo ra khoảng trống ở châu Á, điều mà người tiền nhiệm của ông D.Trumph dày công trong suốt 8 năm qua để tạo nên tầm ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc sẵn sàng thế chân để lấp đầy khoảng trống đó, trở thành lãnh đạo khu vực trong việc định hình các thỏa thuận thương mại. Trên thực tế, tuy không tham gia TPP, nhưng Trung Quốc đang thúc đẩy một Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước Đông Nam Á và 6 đối tác thương mại lân cận, gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Cùng với việc sớm hoàn tất RCEP, Trung Quốc cũng sẽ tiến hành mở cửa cho các nước Mỹ Latinh tham gia sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do nước này khởi xướng.


Rõ ràng, việc Mỹ rút khỏi TPP không hẳn là đặt dấu chấm hết cho bản hiệp định thương mại nhiều tham vọng này. Hiện, nhiều nước thành viên TPP đang cân nhắc khả năng triển khai hiệp định này mà không cần sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi TPP có thể gây ra những hậu quả tiêu cực về lâu dài, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đi ngược lại xu thế chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu