Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn kết dân tộc Việt Nam

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Niềm tin trong chiêm bái, tri ân Tổ tiên của người Việt Nam đã trở thành một di sản văn hóa tâm linh độc đáo, đặc sắc Việt Nam, đồng thời mang tính đại diện nhân loại rõ rệt. 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có từ xa xưa và trở thành bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong tâm thức của người dân Việt Nam, các đời vua Hùng đã có công dựng nên Nhà nước đầu tiên với tên gọi Văn Lang và là nguồn gốc tổ tiên chung của cả dân tộc. Vì lẽ đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và là “chất keo” gắn kết các thế hệ người dân Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn kết dân tộc Việt Nam - ảnh 1

Nghi thức tế Tổ do đội tế xã Chu Hóa thực hiện. - Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Kỳ họp lần thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể  ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay được quy định cụ thể, chặt chẽ thể hiện sự tôn kính của của các triều đại và nhân dân đối với Tổ tiên.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Gắn kết dân tộc Việt

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể vừa là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước. Mọi người dân Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”. Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng được nhân dân Việt Nam bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của dân tộc Việt Nam: “Muốn nói giá trị lớn nhất của nó phải nói đến tại sao lại có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Là do sự kết hợp tâm thức uống nước nhớ nguồn, tâm thức của người dân thờ cúng tổ tiên ở các gia tộc, dòng họ, kết hợp với nhu cầu của 1 quốc gia phong kiến sau thời kỳ Bắc thuộc, cần có điểm tựa về tinh thần. Và nó cũng tạo nên sự kết hợp mà Unesco đánh giá rất cao, đó là sự dân dã ở ngay tên gọi là Giỗ Tổ - giống như chúng ta đang nói là hôm nay giỗ cha, giỗ mẹ chúng ta. Giỗ Tổ là cái gì đó rất thân thiết và vì thế nó có sức sống”.

Niềm tin trong chiêm bái, tri ân Tổ tiên của người Việt Nam đã trở thành một di sản văn hóa tâm linh độc đáo, đặc sắc Việt Nam, đồng thời mang tính đại diện nhân loại rõ rệt. Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh cho rằng: Sự tôn vinh của của UNESCO khi công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như một sự khẳng định về lòng tự hào và gắn kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam: “Đấy là điểm qui tụ tâm linh của người Việt, hướng người Việt về nguồn gốc chung, để tạo nên sự đoàn kết, một sự gắn bó của dân tộc. Trong suốt lịch sử VN, sự gắn bó, đoàn kết đó, sự qui tụ đó luôn luôn là sức mạnh. Trong hiện tại và tương lai thì vận mệnh của dân tộc Việt Nam trong phát triển kinh tế, cũng như sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, càng cần đến sức mạnh sự qui tụ đó”.

Gìn giữ, phát huy “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng”

Từ hàng ngàn năm qua, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, người Việt luôn nhớ về cội nguồn, cùng hướng về Tổ quốc, đồng thời luôn khẳng định với bạn bè quốc tế về nguồn gốc của mình ở đất nước Việt Nam. Nhiều cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đã về Đền Hùng xin đất, nước, chân nhang tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng để mang về lập đền thờ các Vua Hùng tại nơi mình sinh sống. Nhà Nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương cho rằng: “Khi nói tới truyền thuyết Hùng Vương thì nó mang ý nghĩa là điểm tựa tâm linh dân tộc. Vì nó nói lên điều tất cả dân tộc Việt Nam chúng ta từ trước đến giờ vẫn cảm nhận thấy đến với tỉnh Phú Thọ, đến với núi Nghĩa Lĩnh là về với đất Tổ”. 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc. Hàng năm, giỗ Tổ Hùng Vương đều được tổ chức với nghi lễ trang trọng, thành kính. Ông Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ, cho biết: Nhân dân Phú Thọ được giao trọng trách là giữ gìn, tôn tạo và tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương tại Khu di tích Đền Hùng: “Không phải từ khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thì chúng ta mới bảo tồn và phát huy các giá trị, mà việc này đã được làm từ hàng ngàn năm qua. Việc UNESCO vinh danh chỉ khẳng định vững chắc về dân tộc Việt Nam có cội nguồn. Chúng ta là những thế hệ sau phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó”.

 “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa độc đáo , sống động mà không một dân tộc nào trên thế giới có được.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu