Năm 2017, Việt Nam tiếp tục có những chính sách và hành động cụ thể trong việc đảm bảo quyền trẻ em. Mục đích là để cuộc sống của trẻ em được cải thiện hơn, trẻ em được quan tâm hơn trong việc thực hiện các quyền của mình như quyền được bảo vệ, quyền tham gia và quyền phát triển.
Ngày 2/3/2017, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 34 Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, khai mạc ngày 27/2 tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam tổ chức Tọa đàm quốc tế với chủ đề "Giáo dục trẻ em về biến đổi khí hậu - Phát triển một thế hệ hiểu biết về biến đổi khí hậu" |
Một số điểm nhấn đáng chú ý trong việc đảm bảo thực thi quyền trẻ em tại Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay là Luật trẻ em chính thức có hiệu lực; thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em; xây dựng các mô hình lấy trẻ em làm trung tâm, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em.
Chính sách quan trọng về trẻ em có hiệu lực
Việc Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đồng thời cũng quy định trách nhiệm thực hiện các cam kết theo Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em của Việt Nam. Theo đó, khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương. Luật cũng quy định rõ các nhóm quyền cuả trẻ em về Sống còn, Phát triển, Bảo vệ và Tham gia nhằm cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân đồng thời làm hài hòa với Công ước quyền trẻ em và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Các em nhỏ vui chơi (Đức Anh/VOV5)
|
Điểm mới đặc biệt của Luật Trẻ em 2016 là quy định về Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh . Đây là cơ chế mới, tiến bộ, thể hiện Nhà nước, xã hội tôn trọng tiếng nói của trẻ em thông qua tổ chức đại diện cho trẻ em. Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Hồng Lan đánh giá: Luật trẻ em tiếp cận trên cơ sở quyền của trẻ em, trẻ em nói chung cũng như các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Luật trẻ em thể hiện rõ hơn những quy định của hiến pháp trong việc triển khai thực hiện quyền con người và quyền trẻ em,tiếp cận trên cơ sở những góc độ liên quan đến công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.
Để giúp Chính phủ chỉ đạo, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, trong tháng 6, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em do 1 Phó Thủ tướng làm Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch Ủy ban gồm 3 Bộ trưởng: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các chính sách liên quan đến trẻ em là yếu tố quan trọng để trong lĩnh vực trẻ em, khuôn khổ pháp lý đầy đủ nhất, thiết thực nhất , từ đó có thể tổ chức thực hiện đồng bộ. Việc Phó thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban và 3 Bộ trưởng làm Phó chủ tịch cho thấy đây là Ủy ban liên ngành, do đó việc tham mưu vừa chỉ đạo sẽ thuận lợi hơn nhiều. Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội đối với trẻ em. Trong hệ thống này, hiện nay Bộ đang tính toán xây dựng Luật công tác xã hội.
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Cùng với việc ban hành chính sách, việc xây dựng thí điểm các mô hình lấy trẻ em làm trung tâm, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại địa phương cũng được chú trọng triển khai.
Trong tháng 6, Hội đồng đội TW xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2017 – 2020. TP.Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên của Việt Nam ra mắt Hội đồng trẻ em và tổ chức kỳ họp lần thứ nhất vào ngày 22/6. Hội đồng trẻ em ra đời giúp trẻ em trao đổi ý kiến, kiến nghị các vấn đề vui chơi giải trí, học tập để trẻ phát triển toàn diện; cầu nối giúp lãnh đạo các cấp nắm tình hình trẻ em, những vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ em, hoàn thiện xây dựng chính sách, quyết định về trẻ em. Sau thành phố Hồ Chí Minh, mô hình Hội đồng trẻ em được xây dựng ở thành phố Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh, Yên Bái.
Các em nhỏ vui chơi (Đức Anh/VOV5) |
Song song với xây dựng mô hình “Hội đồng trẻ em”, Việt Nam cũng thúc đẩy dự án “Thành phố thân thiện với trẻ em” với sự hỗ trợ của Qũy nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam ông Youssouf Abdel-Jelil cho biết: Thành phố thân thiện với trẻ em được thực hiện ở nhiều quốc gia từ các quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình đến quốc gia phát triển như Pháp, New Zealand, Italy... Ở Việt Nam, thời gian qua, UNICEF phối hợp với TP HCM triển khai, khởi động dự án “Thành phố thân thiện với trẻ em”. Sáng kiến này đóng vai trò hết sức quan trọng với trẻ em. Chúng tôi triển khai dự án trước hết là ở TP HCM, sau đó là nhân rộng sang các thành phố khác như Đà Nẵng.
Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc thực hiện quyền của trẻ em. Việc Chính phủ tiếp tục những nỗ lực bảo vệ trẻ em sẽ giúp gần 26 triệu trẻ em Việt Nam được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn.