Tích cực đối thoại để thúc đẩy nhân quyền

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Các báo cáo viên cho thấy thiện chí, thái độ hợp tác, cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.
(VOV5) - Các báo cáo viên cho thấy thiện chí, thái độ hợp tác, cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.


Đối thoại với các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Liên Hợp Quốc về quyền con người. Những trao đổi cởi mở về chính sách, luật pháp và thực tiễn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo giữa  các cơ quan chức năng và chính phủ Việt Nam và các Báo cáo viên cho thấy thiện chí, thái độ hợp tác, cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.


Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) là cơ chế được Hội đồng Nhân quyền thành lập năm 2007 nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền của tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để 6 “Thủ tục đặc biệt” của Liên Hợp Quốc đến Việt Nam, thể hiện thái độ nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết quốc tế khi ứng cử, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền và các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế UPR.


Tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam được cải thiện


Trong chuyến thăm Việt Nam từ 21-31/7/2014, Báo cáo viên đặc biệt Liên Hợp Quốc, ông Heiner Bielefeldt đã làm việc với đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tại trung ương và một số địa phương; thăm các cơ sở tôn giáo và gặp một số tổ chức, cá nhân để tìm hiểu thực tiễn đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.



Tích cực đối thoại để thúc đẩy nhân quyền - ảnh 1
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng Heiner Bielefelt. Ảnh: VGP/Hải Minh


Trong tuyên bố báo chí sau chuyến thăm, ông Heiner Bieleldt nhấn mạnh thực tế là các điều kiện để thực hành tự do tôn giáo ở Việt Nam đã được cải thiện và đại diện các cộng đồng tôn giáo cũng công nhận rằng họ có nhiều không gian để thực hành tôn giáo hơn trong quá khứ. Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, trong đó có Điều 18 về Quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo và tín ngưỡng. Ông Heiner Bieleldt cũng nhắc đến Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam, trong đó có chương 2 về Quyền con người, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều 24 nói rõ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của công dân. Theo đó, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.


Những tiến bộ khác trong lĩnh vực nhân quyền


Không chỉ đạt được những thành tựu về tự do tôn giáo tín ngưỡng như thực tế mà Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã chứng kiến trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua mà Việt Nam còn có nhiều những tiến bộ khác trong lĩnh vực nhân quyền. Điều đó thể hiện ở việc Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền của người khuyết tật; thông qua Luật Người khuyết tật; gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước số 122 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Chính sách việc làm; Phê chuẩn Công ước số 186 về Lao động Hàng hải. Trên thực tế, Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền của người đang chấp hành án phạt tù, người bị tạm giam, tạm giữ đề điều tra; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.


Tích cực đối thoại để thúc đẩy nhân quyền - ảnh 2


Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và Tuyên bố Nhân quyền ASEAN; Tích cực tham gia Sáng kiến cấp bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống nạn buôn bán người (COMMIT); phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Liên hiệp quốc, ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với các nước; Thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước và đối tác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Na Uy, Thụy Sĩ. Bằng chứng cho thấy sự tích cực và chủ động của Việt Nam tham gia đóng góp vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, được thể hiện qua số phiếu cao ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. 


Đối thoại để thúc đẩy nhân quyền


Trong tất cả các chuyến thăm và làm việc của các Báo cáo viên đặc biệt Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trong khuôn khổ Cơ chế UPR kể từ năm 2010 đến nay, các Báo cáo viên và đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn trao đổi về chính sách, luật pháp và thực tiễn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng và quyền con người nói chung tại Việt Nam. Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam luôn nêu bật chính sách, nỗ lực, thành tựu cũng như chia sẻ các khó khăn, thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người và các định hướng của Việt Nam nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trong lĩnh vực này. Tạo điều kiện thuận lợi để các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc trải nghiệm thực tế Việt Nam trong khuôn khổ Cơ chế UPR và đối thoại cởi mở với họ là việc làm hiệu quả, thể hiện thiện chí, sự hợp tác thiết thực của Việt Nam với quốc tế để thúc đẩy quyền con người./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu