Thương mại Việt Mỹ sau 10 năm ký kết Hiệp định thương mại song phương

Chia sẻ
 Được ký kết và chính thức có hiệu lực vào ngày 10.12.2001, Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ (BTA) là một văn bản pháp lý quan trọng tạo cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế giữa hai nước. Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, phân tích những khó khăn, thách thức hiện tại để tận dụng cơ hội mới, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước là điều hết sức cần thiết hiện nay. Nhân dịp này, BTV Đài TNVN có bài viết nhan đề “Thương mại Việt Mỹ sau 10 năm ký kết Hiệp định thương mại song phương

(VOV) 10 năm trước, VN và Hoa Kỳ bước vào bàn đàm phán BTA với rất nhiều khác biệt, đó là ký ức về một cuộc chiến tranh tàn khốc và sự hợp tác vẫn chỉ dừng lại ở tính chất thăm dò, dè dặt. Để BTA chính thức có hiệu lực vào ngày 10/12/2001, hai bên đã phải mất rất nhiều năm đàm phán và đi đến ký kết. Theo thống kê từ cả phía VN và Hoa Kỳ, Mỹ nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam chỉ sau 2 năm thực hiện BTA. Qua 10 năm kể từ khi BTA có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt-Mỹ đã tăng ấn tượng, hơn 1.200%, từ 1,5 tỉ USD lên hơn 20 tỉ USD. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mỹ, dệt may vẫn là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, tiếp đó là đồ gỗ, nội thất, giầy dép… Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Mỹ cũng tăng mạnh với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị cơ khí, phụ tùng, thức ăn gia súc… có kim ngạch tăng ít nhất trên 20%. Điều đáng chú ý là cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, ngoài lợi ích về thương mại và đầu tư, BTA Việt – Mỹ cũng mở ra cơ hội tăng cường giao lưu giữa công dân hai nước, mở ra cánh cửa để VN gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Những kinh nghiệm thu được trong đàm phán BTA đã rất có ích cho Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập WTO với Mỹ, một đối tác chính trong WTO. Tại một cuộc tọa đàm “Hiệp định thương mại song phương và quan hệ mậu dịch Việt Nam - Mỹ: Nhìn về quá khứ - hướng tới tương lai”, được tổ chức tại HN hôm 9/12, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã mượn hình tượng cây cầu để ví BTA này và đó là cây cầu dài nhất thế giới bắc qua Thái Bình Dương. BTA Việt – Mỹ không chỉ thúc đẩy trao đổi thương mại mà còn mở ra cơ hội giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa hai nước: "Trên cầu này không chỉ có sự giao lưu hàng hóa mà quan trọng hơn là sự giao lưu giữa con người, các nhà lãnh đạo hàng đầu hai nước cũng đi lại trên cây cầu này. 10 năm qua cũng diễn ra các cuộc gặp cấp cao liên tục. Điều này là một minh chứng cho cấp độ quan hệ giữa hai nước đã thay đổi hẳn."


Dựa trên thành quả của Hiệp định thương mại song phương 10 năm qua, hai nước hiện nay đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để xác định các quy tắc cho thương mại và đầu tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với nền kinh tế mỗi nước. Cùng với 7 nước đối tác khác, Việt Nam và Mỹ đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do khu vực quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là nền tảng cho hội nhập kinh tế trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sự hội nhập này sẽ thúc đẩy lợi ích kinh tế cho cả Mỹ và Việt Nam trong nhiều năm tới, tạo việc làm và tăng cường hơn nữa mối quan hệ của hai nước. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu BTA Việt-Mỹ góp phần quan trọng vào sự chuyển đổi kinh tế to lớn tại Việt Nam thì TPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn nữa vào kinh tế thế giới, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, thuận lợi trong thương mại, hiện đại hóa các lĩnh vực dịch vụ; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; mở cửa thị trường mua sắm... TPP cũng sẽ tạo những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam khi mang đến những cam kết về các lĩnh vực quan trọng. Đặc biệt, khi tham gia TPP này, một số mặt hàng của VN xuất khẩu vào Mỹ như dệt may, da giầy, thủy sản có thể hưởng mức thuế suất bằng 0%. Bà Jean Grier, chuyên gia cao cấp Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ, cho rằng VN cũng như các nước đang phát triển châu Á sẽ có lợi ích thương mại rất lớn từ việc tiếp cận thị trường của các nước tham gia hiệp định, tránh bị tác động bởi những biện pháp bảo hộ: "Lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất đó là hàng hóa, dịch vụ và các nhà cung ứng của  VN có các cơ hội để tiếp cận thị trường của các bên tham gia TPP, trong đó có Hoa Kỳ. Mặt khác khi tuân thủ các quy định trong TPP, VN có thể tiết kiệm được chi phí với mức độ cạnh tranh gia tăng, tăng cường tính hiệu quả, minh bạch, ổn định và giảm tình trạng tham nhũng. Tuy nhiên, vì Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, để đảm bảo công bằng cho các nhà thầu VN, Mỹ sẽ áp dụng biện pháp chuyển tiếp trong 1 thời gian nhất định để giúp VN dần dần thực hiện nghĩa vụ của mình trong TPP."


Lợi ích dân tộc và xu thế thời đại đã thôi thúc và tiếp sức cho hai quốc gia Việt, Mỹ xích lại gần nhau. Sau 10 năm BTA có hiệu lực, hiện là thời điểm tốt để hai nước thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kinh tế song phương. Điều này cũng đã được đại sứ Mỹ tại VN David B. Shear nhấn mạnh trong một thông cáo phát đi hôm 10/12 vừa qua, trong đó ông bày tỏ tin tưởng kỷ niệm 10 ngày Hiệp định thương mại song phương có hiệu lực là một dấu mốc quan trọng bởi hai nước đã đạt được những tiến bộ vượt bậc đó trong vòng 1 thập kỷ qua, điều đó hứa hẹn quan hệ thương mại hai nước sẽ “nở rộ” trong 1 thập kỷ tới. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng mối quan hệ Việt-Mỹ lên tầm đối tác chiến lược./.

  Ánh Huyền 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu