Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam- Vanuatu

Ánh Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam và Vanuatu có quan hệ truyền thống, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3/3/1982.

(VOV5) - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Vanuatu Joe Natuman, phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Vanuatu sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-9/10/2014. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Joe Natuman thăm Việt Nam và là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai ở cấp Thủ tướng của Vanuatu. Thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Vanuatu, Việt Nam khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của mình là mong muốn mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, vì lợi ích của mỗi nước, đồng thời đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định chung của thế giới.


Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam- Vanuatu - ảnh 1
Vanuatu là một quần đảo gồm 83 đảo lớn nhỏ. Ảnh:Wikipedia

Nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, Vanuatu là quốc gia quần đảo, phía Đông gần Australia, phía Tây gần Fiji, phía Nam gần quần đảo Solomon và phía Bắc gần đảo New Caledonia. Vanuatu có diện tích gần 12 nghìn km2 bao gồm 83 đảo lớn nhỏ. Vanuatu có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp quy mô nhỏ, hỗ trợ cuộc sống của 2/3 dân số. Ngư nghiệp, dịch vụ tài chính nước ngoài, xây dựng và du lịch là những ngành chính khác của đất nước Vanuatu.

Quốc đảo đang tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế

Vanuatu có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, công nghiệp còn khiêm tốn. Ngoài ra còn một số ngành khác như đánh bắt hải sản, khai khoáng và du lịch. Tốc độ tăng GDP trung bình khoảng 2,9%. Vanuatu nhập khẩu nhiều máy móc, phương tiện vận tải, thực phẩm, dầu mỏ, hoá chất trong khi xuất khẩu khiêm tốn chủ yếu là cùi dừa, ca cao, thịt bò, gỗ. Bạn hàng và cũng là nước cung cấp viện trợ chính là Australia, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu (EU), Nhật bản, New Zealand.

Từ giữa năm 2002, Chính phủ Vanuatu đã xác định hai động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế, đó là xuất khẩu gia súc sống và thúc đẩy du lịch thông qua tăng cường kết nối với hàng không nước ngoài, phát triển các khu nghỉ cao cấp và tăng cường trang thiết bị tàu du lịch. Vanuatu đang tiến hành cải cách kinh tế toàn diện với hy vọng đưa đến một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.

Về chính sách đối ngoại, Vanuatu thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, không liên kết, chống vũ khí hạt nhân. Đến nay, Vanuatu có quan hệ ngoại giao với gần 80 nước. Vanuatu có quan hệ hợp tác kinh tế và văn hóa chặt chẽ với Australi, NewZeland, EU và Nam Thái Bình Dương. Hiện nay, Vanuatu cũng đang chú trọng phát triển quan hệ với nhiều nước khác, đặc biệt là các nước lớn cung cấp nhiều viện trợ như Trung Quốc, Mỹ và các nước láng giềng khu vực. Vanuatu là thành viên Liên hợp quốc (1981), Khối thịnh vượng chung (Common Wealth), Phong trào Không liên kết (1983), Khối Pháp ngữ (ACCT), Ngân hàng thế giới WB, Qũy tiền tệ quốc tế IMF, Diễn đàn các nước Nam Thái bình dương (SPF)...

Mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam

Việt Nam và Vanuatu có quan hệ truyền thống, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 3/3/1982. Vanuatu luôn coi trọng tăng cường quan hệ và hợp tác với Việt Nam. Hai nước đã trao đổi một số đoàn. Năm 1997, Thủ tướng Vanuatu Serge Vohor sang Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao các nước nói tiếng Pháp tại Hà Nội, góp phần đem lại thành công cho Hội nghị. Tháng 4/2007, đoàn công tác liên ngành về người Việt Nam ở nước ngoài do Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình dẫn đầu đã thăm làm việc tại Vanuatu. Cùng năm 2007, Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Vanuatu George Andre Wells đã thăm chính thức Việt Nam. Tháng 4/2014, ông Toara Daniel Kala, Phó Chủ tịch Đảng Xanh (đảng cầm quyền của Vanuatu) sang Việt Nam dự Diễn đàn khu vực về hợp tác kinh tế Pháp ngữ.

Do cách trở địa lý và kinh tế Vanuatu nhỏ nên hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại và đầu tư chưa phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 2,058 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu: thịt, ngũ cốc, thủy sản, sản phẩm sứ sang Vanuatu trị giá gần 1,9 triệu USD. Hai nước có nhiều điểm tương đồng, có nền kinh tế nông nghiệp, đánh bắt thủy sản nên Vanuatu mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Vanuatu hiện có khoảng 500 người trong tổng số 267.000 dân của Vanuatu, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở Vanuatu. Nhiều người Việt tại đây thành đạt, có uy tín và đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển đất nước Vanuatu. Bà con cũng duy trì sự đoàn kết, gìn giữ văn hóa truyền thống, luôn hướng về quê hương đất nước. Ngoài hợp tác trong Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Việt Nam và Vanuatu cũng có một số hợp tác tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc. Tháng 6 vừa qua, Vanuatu công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp đó, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Vanuatu Joe Natuman lần này nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thúc đẩy quan hệ cùng có lợi là điều mà cả Việt Nam và Vanuatu cùng mong muốn hương tới./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu