Thủ tướng phát biểu tại Shangri La12: Xây dựng lòng tin chiến lược vì hoà bình, hợp tác, thịnh vượng

Chia sẻ
(VOV5)- Tối 31/5, tại Singapore, diễn ra lễ khai mạc Đối thoại Shangri La lần thứ 12. Với tư cách là khách mời, diễn giả chính, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu dẫn đề khai mạc diễn đàn lớn của khu vực về quốc phòng và an ninh.  Sau đây, Biên tập viên Đài TNVN trích giới thiệu những nội dung chính trong bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
(VOV5)- Tối 31/5, tại Singapore, diễn ra lễ khai mạc Đối thoại Shangri La lần thứ 12. Với tư cách là khách mời, diễn giả chính, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu dẫn đề khai mạc diễn đàn lớn của khu vực về quốc phòng và an ninh.  Sau đây, Biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam trích giới thiệu những nội dung chính trong bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thủ tướng phát biểu tại Shangri La12: Xây dựng lòng tin chiến lược vì hoà bình, hợp tác, thịnh vượng - ảnh 1 
Ảnh: chinhphu.vn

Với chủ đề Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của Châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động, là nơi tập trung 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi. Xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực ngày càng thể hiện là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh toàn cảnh trong khu vực trong những năm qua, cũng không khỏi quan ngại trước những nguy cơ và thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh. Thủ tướng nhấn mạnh: Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác và phát triển. Nhưng nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển. Những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.”.

     

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua. Vì vậy, cần khẳng định rằng cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả khu vực: Để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ cần có quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cao hơn là có lòng tin chiến lược vào nhau. ”. 

 

Nhắc đến tầm quan trọng của một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương, Thủ tướng nêu rõ: ASEAN chỉ mạnh và phát huy được vai trò của mình khi là một khối đoàn kết thống nhất. Một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các nước đối tác. Chúng ta cần một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, hợp tác hiệu quả với tất cả các nước để chung tay vun đắp hòa bình và thịnh vượng ở khu vực, chứ không phải là một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích của riêng mình trong mối quan hệ với các nước lớn. Trách nhiệm của chúng ta là nhân thêm niềm tin trong giải quyết các vấn đề, trong tăng cường hợp tác cùng có lợi, kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia mình với lợi ích của quốc gia khác và của cả khu vực.

 

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nêu rõ ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Thủ tướng tin tưởng ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực.

 

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại đường lối đối ngoại của Việt Nam và bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.

 

Nhân diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự: Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.

 

Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định tuân thủ nhất quán Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; nỗ lực làm hết sức mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

                                                                           

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi tất cả các nước bằng những hành động cụ thể hãy cùng nhau chung tay xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì một Châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, thịnh vượng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu