Thu hẹp bất đồng về tương lai châu Âu: nhiệm vụ không dễ dàng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc cuối tuần qua đã chứng kiến mâu thuẫn giữa 27 nước thành viên về tương lai châu Âu.

(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc cuối tuần qua đã chứng kiến mâu thuẫn giữa 27 nước thành viên về tương lai châu Âu. Trong bối cảnh ngày kỷ niệm 60 năm ký Hiệp ước thành lập liên minh đang đến gần (25/3), việc các nước thành viên không thể thống nhất về hướng đi mới cho liên minh cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong các quốc gia EU. Đây cũng là điều bất lợi khi EU đang cần sự đoàn kết cao độ để cùng tiến hành các cuộc đàm phán lịch sử với Anh về vấn đề Brexit.


Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc ngày 10/3, sau phiên họp của 27 nước thành viên, không có sự tham dự của đại diện nước Anh, để bàn về tương lai châu Âu sau khi Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit.


Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo EU đã tìm cách xích lại gần nhau trên cơ sở lập trường riêng để soạn thảo một tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố vào ngày 25/3 nhân kỷ niệm 60 năm kí kết hiệp ước thành lập liên minh tại Rome, Italy. Tuy nhiên hội nghị kết thúc mà không có bất cứ văn bản nào về tương lai châu Âu được đưa ra


Bất đồng xung quanh một châu Âu đa tốc độ

Kịch bản về một châu Âu đa tốc độ là nội dung gây bất đồng lớn tại Hội nghị cấp cao nhất này của liên minh châu Âu. Kịch bản được Ủy ban châu Âu đưa ra trong “Sách trắng” về tương lai châu Âu. Lý giải về ý tưởng này, các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận rằng các nước thành viên của Liên minh châu Âu hiện khó có thể hành động và suy nghĩ giống nhau và sự thay đổi là cần thiết. Đồng thời, việc Anh rời khỏi EU cũng là động lực để châu Âu định hình một khuôn khổ mới.  Theo đó, các quốc gia thành viên có thể tự quyết những vấn đề liên quan tới mức độ hội nhập và liên kết khối.


Sở dĩ kịch bản này gây ra nhiều tranh cãi vì được cho là ám chỉ những đẳng cấp khác nhau của các thành viên trong khối. Với một số nước có nền kinh tế hàng đầu châu Âu (Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha), ý tưởng về "đa tốc độ" được coi là phản ánh một thực tế, đưa ra cơ sở pháp lý cho những nước muốn hội nhập nhanh hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Rome (25/3) nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước thành lập liên minh, EU sẽ phải khẳng định quan điểm “thống nhất trong đa dạng”.  Để hiện thực hóa ý tưởng một châu Âu đa tốc độ, trước hội nghị thượng đỉnh vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và những người đồng cấp Tây Ban Nha, Italy cùng Tổng thống Pháp đã nhóm họp tại cung điện Versailles (Pháp). Tại đây, Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu rõ rằng "thống nhất không có nghĩa là đồng nhất" và một số nước thành viên EU có thể đi nhanh hơn và tiến xa hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, thuế quan…Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định một châu Âu với các tốc độ phát triển khác nhau là điều cần thiết. Châu Âu cần phải có dũng khí để chấp nhận một số nước phát triển nhanh hơn các nước khác. Và  đây là việc phải làm trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Thu hẹp bất đồng về tương lai châu Âu: nhiệm vụ không dễ dàng - ảnh 1
Châu Âu đang phải nỗ lực nhiều để sự thống nhất của mình. Ảnh: Jacques Delors Institute.



Tuy nhiên, với những thành viên mới gia nhập EU, đây lại là một mối đe dọa vì việc đề cao một EU "đa tốc độ" sẽ làm chấm dứt bản sắc của một liên minh, mở đường cho việc ra đời những đẳng cấp khác nhau của các nước thành viên, nới rộng khoảng cách giữa Đông và Tây đối với các vấn đề như nhập cư, tiền tệ và quy định luật pháp. Ba Lan và Hungary lo sợ rằng nếu họ không tham gia vào các quan hệ “hợp tác tăng cường” thì sẽ bị gạt ra rìa trong quá trình ra quyết định của khối và có nguy cơ trở thành “quốc gia hạng 2” trong EU. Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuyên bố không ủng hộ ý tưởng một châu Âu nhiều tốc độ. Ba Lan kiên quyết không chấp nhận bất cứ hành động nào làm nguy hại đến sự toàn vẹn của thị trường chung, của khu vực tự do đi lại Schengen và hơn hết là của chính liên minh châu Âu. Trước Hội nghị thượng đỉnh, 4 nước gồm Ba Lan, Slovakia, Czech và Hungary cũng từng kêu gọi EU đối xử bình đẳng với tất cả các nước thành viên.


Kêu gọi các nước thành viên đoàn kết

Trước những bất đồng gây chia rẽ các nước thành viên, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker trấn an rằng kịch bản châu Âu nhiều tốc độ không nhằm để tạo ra “một bức tường sắt mới”. Theo ông Juncker, EU không có ý định thay đổi các hiệp ước hiện tại, bởi trên thực tế một châu Âu đa tốc độ đã tồn tại với dẫn chứng là khu vực Eurozone hay không gian chung Schengen. Đây là hai thành tựu lớn của sự hợp tác trong EU và không phải là tất cả các nước thành viên đều cùng tham gia vào các mối liên kết này. Tuy nhiên, dù sao ông Claude Juncker cũng thừa nhận một châu Âu đa tốc độ gây thiệt thòi cho một số nước Đông Âu.


Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk kêu gọi các nước thành viên EU nỗ lực để hướng tới việc duy trì sự đoàn kết chính trị hậu Brexit. Ông  cho rằng cũng có lý do để suy nghĩ về ý tưởng một châu Âu đa tốc độ. Nếu cân nhắc các lợi ích của cộng đồng 27 nước trong bối cảnh sắp diễn ra các cuộc đàm phán Brexit cũng như các lợi ích chiến lược dài hạn của EU,  các nước thành viên nên cùng nỗ lực để duy trì sự đoàn kết chính trị giữa 27 quốc gia .


Trong bối cảnh chưa có bất cứ văn bản nào về tương lai của châu Âu được đưa ra sau hội nghị, cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên  muốn châu Âu đoàn kết và phát triển thì việc nhắc tới khái niệm châu Âu "đa tốc độ" cần phải hết sức khéo léo nhất là khi các vấn đề như Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), cuộc khủng hoảng nhập cư đã gây bất đồng gay gắt giữa các quốc gia thành viên.

Thu hẹp bất đồng về tương lai châu Âu: nhiệm vụ không dễ dàng - ảnh 2

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu