Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bước đi thoát khỏi xung đột

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Sau 11 năm đàm phán kéo dài, Iran và các cường quốc thế giới cuối cùng đã đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện. 
(VOV5)- Sau 11 năm đàm phán kéo dài, Iran và các cường quốc thế giới cuối cùng đã đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện. 


Việc đạt được thỏa thuận là thành công lớn về chính sách đối với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, chấm dứt nhiều thập kỷ đối đầu. Thỏa thuận mang tính lịch sử này còn được cho là có thể thay đổi toàn bộ cục diện khu vực Trung Đông. 

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bước đi thoát khỏi xung đột - ảnh 1
Iran và các cường quốc thế giới cuối cùng đã đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện. Ảnh: TTXVN


Theo nội dung thỏa thuận thông qua ngày 14/7, Iran sẽ giảm 2/3 số lượng máy ly tâm vốn dùng để làm giàu uranium, cũng như giảm lượng uranium được làm giàu ở cấp độ thấp. Các máy ly tâm không còn được sử dụng sẽ được đưa vào kho cất giữ dưới sự giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ được IAEA thẩm tra thường xuyên. Đổi lại, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu  u (EU) liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran sẽ được gỡ bỏ. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt có thể khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc tiếp tục duy trì trong 5 năm và lệnh cấm Iran mua công nghệ đạn đạo sẽ duy trì trong 8 năm nữa. 


Thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ.
Như vậy, sau 11 năm đàm phán gian truân và 18 ngày thương lượng nước rút căng thẳng tại thủ đô Vienna (Áo), một thỏa thuận hạt nhân toàn diện được trông đợi cuối cùng đã thành hình. Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã có những phản hồi  tích cực, cho rằng đây là một thỏa thuận mang tính “lịch sử”, bước đầu khép lại một hồ sơ nóng của quốc tế vốn bị bế tắc nhiều năm. Với cá nhân những người trong cuộc là Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, việc đạt được thỏa thuận được coi là thành công lớn về chính sách. Với Iran, thỏa thuận này bước đầu kéo Iran thoát khỏi vòng cô lập, giúp kinh tế nước này khởi sắc thông qua nguồn cung dầu mỏ ra thế giới. Còn với Hoa Kỳ, thỏa thuận này tránh cho chính quyền của Tổng thống B.Obama phải sử dụng giải pháp quân sự với những hệ quả khó lường không chỉ ở khu vực Trung Đông. 


Giới phân tích đánh giá thỏa thuận hạt nhân mà Iran vừa ký kết với 6 cường quốc là thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ, trong đó có vai trò rất lớn của các cá nhân, đứng đầu là Tổng thống Mỹ B. Obama và Tổng thống Iran. Không phải ngẫu nhiên khi lên nắm quyền tại Washington, Tổng thống B.Obama tuyên bố phải luôn luôn tìm một giải pháp “quân bình giữa cô lập và hợp tác”. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng “nếu chỉ trừng phạt mà không có cử chỉ thân thiện, nếu chỉ lên án mà không thảo luận thì chắc chắn sẽ không đi đến thành công”. Trong khi người tiền nhiệm có quan điểm cứng rắn với các nước bị liệt vào danh sách “trục liên minh ma quỷ”, thì ông B.Obama lại tìm cách tiếp cận, cởi mở thậm chí vượt làn ranh đỏ. Ông đã không do dự gọi điện thoại cho Tân tổng thống Iran Hassan Rohani vào tháng 9/2013, mở đường cho vòng đàm phán kéo dài 21 tháng và đi đến thỏa thuận lịch sử ngày 14/7 tại Vienna. Còn tại Iran, sự chuyển tiếp chính trị ở nước này đã đưa ông Hasan Rohani, một nhân vật có tiếng “ôn hòa” được bầu làm Tổng thống, đưa Tehran bước sang một thời kỳ mới trong quan hệ với Washington, mềm dẻo và linh hoạt hơn so với thái độ thù hằn của người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.


Cơ hội đầu tư rộng mở
Thỏa thuận còn đang trên giấy tờ, còn chờ thực thi nhưng rõ ràng nó đã đem đến một niềm hứng khởi cho các nhà đầu tư quốc tế. Tại Trung Quốc, châu  u và Nga, thỏa thuận hạt nhân Iran nhận được sự chào đón của các công ty. Với 77 triệu người, Iran là một thị trường sơ khai ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Iran có lượng dự trữ dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới và lượng dự trữ khí gas tự nhiên chỉ đứng sau Nga. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang nóng lòng muốn tiếp cận với thị trường đầy tiềm năng này. Đáng chú ý, sau nhiều năm chịu các chính sách bao vây cấm vận, hàng hóa, dịch vụ, hàng tiêu dùng đều đang hết sức thiếu thốn ở quốc gia Trung Đông này nên đây sẽ là đích nhắm đến của các nhà đầu tư bán lẻ hàng đầu thế giới. Còn theo dự báo của các chuyên gia tài chính, việc Iran được nới lỏng trừng phạt có thể mở ra cánh cửa thị trường chứng khoán Iran cho các nhà đầu tư vào đầu năm 2016 và dòng vốn đổ vào thị trường này ngay trong năm đầu tiên có thể lên tới 1 tỷ USD. 


Tác động đến an ninh khu vực Trung Đông
Không chỉ mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Iran với thế giới, thỏa thuận hạt nhân của Tehran được cho là còn ảnh hưởng tới tình hình an ninh chung ở Trung Đông. Một thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ là chìa khóa để mở ra các giải pháp chính trị không chỉ tại Syria mà còn ở nhiều quốc gia khác như Iraq, Yemen. Thực tế hiện nay cho thấy, Iran đang đóng vai trò quan trọng đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như phiến quân Hồi giáo Houthi tại Yemen. Iran hiện cũng là tác nhân chủ chốt trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Bởi thế, việc phá bỏ sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa các nước P5+1 và Iran là vô cùng cần thiết, có thể làm thay đổi cục diện khu vực. Giới quan sát quốc tế cho rằng nếu có được sự ủng hộ từ Tehran thì giải pháp thay đổi quyền lực tại Syria hay trấn áp phiến quân Houthi tại Yemen là điều hoàn toàn có thể diễn ra. Bắt tay với Tehran, Washington sẽ thuận lợi hơn trong việc mở ra một cánh cửa để can dự vào Trung Đông theo cách thức mới.


Hiện tại, thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ phải chờ các thủ tục cần thiết để chính thức được thông qua. Việc thực thi đầy đủ thỏa thuận cũng phải mất nhiều tháng và tùy thuộc vào tốc độ Iran đáp ứng các yêu cầu mà các cường quốc đưa ra trong thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được là bước ngoặt quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa quốc gia Hồi giáo Trung Đông này với thế giới. Điều quan trọng là các bên có nắm bắt cơ hội như thế nào để cùng hợp tác, cùng phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu