Thỏa thuận Geneva về Ukraine trước nguy cơ đổ vỡ

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Thỏa thuận Geneva đạt được hôm 17/4 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang có nguy cơ đổ vỡ bởi các bên vẫn bất đồng quan điểm trong việc thực hiện thỏa thuận này. Thay vì phối hợp hành động, người ta lại chứng kiến các bên liên tục chỉ trích, đổ lỗi cho nhau. Với những diễn biến leo thang căng thẳng hiện nay, dư luận cho rằng biến cố chính trị ở Ukraine đang ở tình trạng nguy hiểm hơn gấp bội.
(VOV5)- Thỏa thuận Geneva đạt được hôm 17/4 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang có nguy cơ đổ vỡ bởi các bên vẫn bất đồng quan điểm trong việc thực hiện thỏa thuận này. Thay vì phối hợp hành động, người ta lại chứng kiến các bên liên tục chỉ trích, đổ lỗi cho nhau. Với những diễn biến leo thang căng thẳng hiện nay, dư luận cho rằng biến cố chính trị ở Ukraine đang ở tình trạng nguy hiểm hơn gấp bội.

Trước hết, có thể thấy cuộc đàm phán ở Geneva hồi tuần trước đã ghi nhận nỗ lực thực sự của các bên khi mong muốn kiếm tìm một giải pháp tháo ngòi xung đột ở Ukraine. Song, từ thỏa thuận ký kết trên giấy đến triển khai trên thực tế lại là chuyện không dễ dàng.

Thỏa thuận Geneva về Ukraine trước nguy cơ đổ vỡ - ảnh 1
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau cuộc hội đàm 4 bên tại Geneva chiều tối 17.4 - Ảnh: Reuters

Theo thỏa thuận, một loạt các biện pháp nhằm hạ nhiệt cuộc tranh chấp tại Ukraine được đưa ra, trong đó có việc giải giáp tất cả các nhóm vũ trang và ân xá cho tất cả những người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà công sở ở khu vực miền Đông. Tuy nhiên, cho đến nay, các kế hoạch này vẫn chỉ nằm trên giấy và cách thức mà các bên đang triển khai thực thi cam kết này đang đi chệch hướng.

Đầu tiên là chính quyền Kiev và những người biểu tình ly khai đã không thể đối thoại, tìm được tiếng nói chung. Người biểu tình tuyên bố không chấp nhận chính quyền lâm thời hiện nay và không rời các trụ sở công quyền đang chiếm giữ cho tới khi chính phủ lâm thời từ nhiệm. Trong khi đó, thay vì rút quân khỏi miền Đông và tiến hành cuộc đối thoại với tất cả các vùng và các lực lượng chính trị, chính quyền của Tổng thống tạm quyền Ukraine ngày 22/4 đã ra lệnh tái khởi động chiến dịch quân sự chống lại người biểu tình ở miền Đông nước này, vốn đã dừng trước thềm vòng đàm phán 4 bên ở Geneva.


Những động thái leo thang căng thẳng

Quyết định của Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Kiev. Trong chuyến thăm, Washington không chỉ công khai bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực cải cách của chính quyền Kiev thông qua những gói hỗ trợ tài chính khổng lồ, mà còn ngầm gửi một tín hiệu đến chính quyền Moscow rằng “đã đến lúc ngừng nói chuyện và bắt đầu hành động”. Mỹ cáo buộc Nga bí mật sử dụng quân đội kích động người biểu tình ở miền đông Ukraine và 40 nghìn binh sỹ Nga đang có mặt ở biên giới Ukraine là bằng chứng rõ ràng về việc các phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine đang được hậu thuẫn bởi Nga. Mỹ cũng tuyên bố đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga nếu nước này không có hành động cải thiện tình hình ở Ukraine.

Trong khi đó, Nga phủ nhận can thiệp vũ trang vào Ukraine, đồng thời lên tiếng cáo buộc Mỹ và chính quyền Kiev đang cố tình hiểu sai lệnh về thỏa thuận. Trong khi thỏa thuận đưa ra lời kêu gọi các nhóm vũ trang từ bỏ vũ khí thì Kiev và Washington lại cho rằng chỉ cần những công dân miền Đông Nam Ukraine, những người đang bảo vệ quyền lợi của mình, từ bỏ vũ khí. Đồng thời, lại “làm ngơ” trước những hành động khiêu khích của các phần tử cánh hữu cực đoan”, các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine.

Nga cho rằng việc mà chính quyền Kiev cần thực hiện ngay hiện nay là hủy các mệnh lệnh ban hành sử dụng quân đội chống lại nhân dân, giải giáp tất cả các đơn vị chiến đấu của tổ chức cực đoan cấp tiến (cánh hữu) và các nhóm cực đoan khác, nghiêm túc tiến hành cải cách Hiến pháp, có tính đến lợi ích của nhân dân ở tất cả các vùng miền của đất nước. Tuy nhiên, đáng tiếc là Tổng thống tạm quyền Ukraine Aleksandr Turchynov lại vừa ban hành lệnh nối lại các hoạt động quân sự ở phía đông nước này, còn Mỹ vừa điều thêm 1 tàu hộ vệ tên lửa vào biển Đen. Đây là những động thái làm leo thang căng thẳng tình hình Ukraine. Nga cho rằng chuyến thăm của ông J. Biden tới Kiev và việc chính quyền Ukraine tái khởi động chiến dịch quân sự ngay sau đó là bằng chứng cho thấy Mỹ đang “điều hành show diễn tại Ukraine”. Nga cũng cho rằng Mỹ sẽ phải nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này.


Không còn nhiều thời gian cho thỏa thuận hòa bình

Những lời cáo buộc qua lại giữa các bên đang đẩy thỏa thuận 4 bên đạt được tại Geneva lâm vào bế tắc. Sự kiên nhẫn của các bên dường như đang cạn dần khi thời gian tiến hành thực thi thỏa thuận này không còn nhiều. Dư luận cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là giới lãnh đạo Ukraine và những người biểu tình phải đối thoại, tìm ra giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nga cần phải thể hiện được vai trò kiến tạo hòa bình, không để "những cái đầu nóng” châm ngòi cho một cuộc xung đột đẫm máu tại Ukraine. Nhưng, những diễn biến hiện tại khiến dư luận khó có thể hy vọng biến cố chính trị Ukraine biến chuyển tích cực mà ngược lại sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong những ngày tới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu