Thi hành Hiến pháp - nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Sau khi Hiến pháp được Quốc hội khoá XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, hai nhiệm vụ quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp là tuyên truyền và sửa đổi văn bản pháp luật. Làm tốt 2 nhiệm vụ này sẽ góp phần bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp đi vào đời sống, tác động tích cực trên các lĩnh vực của xã hội.

(VOV5)- Sau khi Hiến pháp được Quốc hội khoá XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, hai nhiệm vụ quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp là tuyên truyền và sửa đổi văn bản pháp luật. Làm tốt 2 nhiệm vụ này sẽ góp phần bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp đi vào đời sống, tác động tích cực trên các lĩnh vực của xã hội.

 

Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhân dân, tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

 

Tuyên truyền rộng rãi Hiến pháp ở trong và ngoài nước

Tuyên truyền về Hiến pháp, đặc biệt là những điểm mới của Hiến pháp là công việc được ưu tiên hàng đầu trong tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Công tác tuyên truyền chủ yếu làm rõ những nội dung cốt lõi, những điểm mới trong Hiến pháp. Các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên trang, chuyên mục, xuất bản các ấn phẩm, chuyên đề tuyên truyền Hiến pháp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết: Các cơ quan tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải là những cơ quan đi đầu trong việc phổ biến chương trình nội dung và tinh thần Hiến pháp. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của báo chí, và như vậy báo chí phải góp phần tích cực đưa tinh thần và lời văn của Hiến pháp vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn và dễ dàng nhất nội dung của Hiến pháp.


Thi hành Hiến pháp - nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 - ảnh 1
Ông Lê Minh Thông - Ảnh: Ngọc Thắng
 

Song song với đó, báo chí cũng phải bảo vệ Hiến pháp để kịp thời uốn nắn những quan điểm lệch lạc về Hiến pháp, phản ảnh kịp thời những biểu hiện không đúng trong quá trình hiểu và làm theo Hiến pháp, góp phần đấu tranh với những quan điểm không thiện chí đối với Hiến pháp mới trên mặt trận tư tưởng. Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin Truyền thông, cho rằng cần có kế hoạch tuyên truyền bài bản, nhất là lĩnh vực quyền con người nhằm phản bác những thông tin xuyên tạc: “Chúng ta cần có kế hoạch tuyên truyền liên tục, dài hơi. Thứ nhất, cần gắn tuyên truyền đối nội và đối ngoại. Thứ hai, cách làm phải mang tính chủ động. Trước đây, chúng ta thường làm theo phong trào, theo chiến dịch thì bây giờ cần phải làm liên tục, thường xuyên. Coi trọng việc phổ biến kiến thức, giáo dục, nâng cao kiến thức về quyền con người. Công tác nghiên cứu về quyền con người bây giờ cũng  phải được tăng cường, đưa vào giáo trình, giáo án, đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học”

 

Ngoài ra, để đảm bảo Hiến pháp nhanh chóng phát huy hiệu lực trong đời sống xã hội, các cấp, các ngành ưu tiên triển khai các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung Hiến pháp để thấy rõ hơn ý nghĩa, vai trò to lớn của Hiến pháp trong đời sống xã hội, thấy rõ hơn những kế thừa của Hiến pháp, từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 tới bản Hiến pháp 1992. Và thấy rõ hơn những căn cứ lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung lần này, thấy rõ hơn những nội dung mà Hiến pháp thể chế hóa được đường lối phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới, thể hiện mong muốn, nguyện vọng của các tầng lấp nhân dân trong việc tạo lập bản Hiến pháp phù hợp với tầm vóc của dân tộc trong giai đoạn mới.

Thi hành Hiến pháp - nhiệm vụ quan trọng trong năm 2014 - ảnh 2
Đông đảo nhân dân đã tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Rà soát để bãi bỏ, sửa đổi các văn bản pháp luật

Việc xem xét, điều chỉnh các văn bản pháp luật về bộ máy Nhà nước, từ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu tổ chức cho tới phương thức hoạt động là yêu cầu bức thiết, bảo đảm hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Theo đó, Việt Nam ưu tiên việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Bầu cử Quốc hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông cho biết thêm: Chương trình làm luật năm 2014, 2015 phải ưu tiên cho các luật về tổ chức bộ máy vì nếu không làm xong thì sẽ không có cơ sở pháp luật vững chắc cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14. Đây cũng là công việc khẩn trương cần đẩy mạnh. Chúng ta làm theo lộ trình, mỗi năm Quốc hội sẽ phân chia ra những công việc trước mắt, cấp bách. Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta từ luật tổ chức tới kinh tế, xã hội, giáo dục đào tạo cần  theo những lộ trình ưu tiên.

 

Triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp tích cực, nghiêm túc sẽ đảm bảo cho Hiến pháp được tôn trọng, tạo động lực phát triển đất nước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu