Giai đoạn phát triển 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “đột phá chiến lược”,“động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Do đó, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp đã cùng nỗ lực phát triển khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo gắn với các mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Phong trào thi đua này tiếp nối tinh thần 75 năm (11/6/1948-11/6/2023) Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự tạo ra động lực tăng trưởng mới cho đất nước.
Ảnh minh họa: Bộ Công thương |
Thời gian qua, các nhà khoa học, doanh nghiệp, lực lượng khoa học công nghệ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để trưởng thành, tham gia tích cực vào phong trào thi đua phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước.
Thi đua làm chủ khoa học công nghệ
Xuất phát từ một công ty sản xuất và sửa chữa thiết bị vô tuyến điện, ngày nay, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel đã trở thành một tập đoàn kinh tế-công nghiệp-công nghệ lớn của Việt Nam và khu vực, là điển hình về việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) để phát triển các dịch vụ và sản phẩm công nghệ.
Tại Trung tâm phân tích dữ liệu Viettel Telecom, nhiều dự án quan trọng đã và đang được thực hiện, giúp giải quyết nhiều bài toán kinh doanh của Viettel ở Việt Nam và các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Peru, Myanmar. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Trần Ngọc Linh và tập thể nhân viên đang cùng thi đua hướng đến mục tiêu xây dựng một trung tâm phân tích dữ liệu Bigdata mang tầm quốc tế: “Đây là định hướng từ Tập đoàn, đến Tổng công ty và chúng tôi là Ban giám đốc Trung tâm.Tập đoàn Viettel luôn phát động phong trào khởi nghiệp. Ngay như ở Trung tâm chúng tôi cũng luôn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy nhân viên sáng tạo, tìm ra cái mới. Chúng tôi không bao giờ hài lòng với những sản phẩm, những kiến thức, những công nghệ mà mình đang có, mà phải cập nhật những tri thức mới nhất thế giới”.
Tập trung phát triển công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tiến sỹ Nguyễn Phi Lê và các cộng sự tại Trung tâm Quốc tế nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đang thi đua nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập số liệu và dự báo chất lượng không khí. Trong khi đó, phong trào thi đua phát triển KHCN và ĐMST tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh cũng diễn ra sôi động tại Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, doanh nghiệp KHCN tiêu biểu của tỉnh Nghệ An, hoạt động trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất máy xây dựng, máy vật liệu không nung. Ông Hồ Xuân Vinh, Giám đốc Công ty, cho biết: “Công ty đã cải tiến quy trình sản xuất của mình, để tiết kiệm chi phí sản xuất, khi đó giá thành sản phẩm cũng cạnh tranh hơn. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới để tạo công ăn việc làm cho người lao động”.
Tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước
Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), công bố năm 2022, cho thấy Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong bảng xếp hạng năm 2022, ở vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Còn theo đánh giá của Tổ chức năng suất Châu Á (APO), trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, nền kinh tế của Châu Á tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào khoảng 1%/năm. Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương, và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất với bình quân 1,4%/năm. Thành quả này có đóng góp không nhỏ từ phong trào thi đua phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy. Ảnh: Trí thức trẻ |
Dù vậy, Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của KHCN và ĐMST, xem đây là “đột phá chiến lược”, “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, cơ quan này đã triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo: “Chúng tôi đã có hàng loạt những điều chỉnh trong việc triển khai các chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian qua. Đặc biệt, trong thời gian tới, chúng tôi đã có thêm nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như là hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học…cũng như thúc đẩy hàng loạt các chương trình để giúp doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo như các chương trình nâng cao năng suất chất lượng, các chương trình đổi mới công nghệ”.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Mục tiêu này đặt các nhà khoa học trước những cơ hội và thách thức phải đổi mới để khoa học công nghệ Việt Nam phát triển nhanh hơn, thực chất và bền vững hơn.
Với những đổi mới trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, rõ ràng các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang thực hiện thi đua yêu nước đúng theo tinh thần Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây vừa tròn 75 năm. Hoạt động thi đua yêu nước trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã tạo ra động lực tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.