Thêm tín hiệu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Bán đảo Triều Tiên những ngày cuối năm này lại nóng lên bởi thông tin CHDCND Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh quan sát trái đất. Giữa lúc các nỗ lực nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bế tắc thì động thái này mang lo ngại có thể thổi bùng lên ngọn lửa bất hòa vốn đã âm ỉ lâu nay ở khu vực Đông Á, làm căng thẳng hơn mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington.

(VOV5)- Bán đảo Triều Tiên những ngày cuối năm này lại nóng lên bởi thông tin CHDCND Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh quan sát trái đất. Giữa lúc các nỗ lực nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bế tắc thì động thái này mang lo ngại có thể thổi bùng lên ngọn lửa bất hòa vốn đã âm ỉ lâu nay ở khu vực Đông Á, làm căng thẳng hơn mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 5/12, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định CHDCND Triều Tiên đã hoàn tất việc lắp đặt 3 tầng tên lửa lên bệ phóng và đang tiến hành bơm nhiên liệu vào trước khi thực hiện vụ phóng tên lửa. Địa điểm phóng là tại căn cứ Tongchang-ri ở miền Tây Bắc CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Hãng thông tấn của CHDCND Triều Tiên KCNA tuyên bố nước này sẽ phóng 1 tên lửa tầm xa mang vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 22/12 để kỷ niệm 1 năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong-Il. Tên lửa vệ tinh được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy tầm xa Unha-3, chỉ mang vệ tinh quan sát trái đất vào không gian. Theo tính toán mà Bình Nhưỡng đưa ra với Cơ quan vận tải biển của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hàng hải Quốc tế thì phần đầu của tên lửa sẽ rơi xuống Hoàng Hải ở khu vực giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, còn phần thứ hai sẽ rơi xuống vùng biển ngoài khơi Philippines. Bình Nhưỡng khẳng định đây là vệ tinh hòa bình nhằm phát triển khoa học kỹ thuật và việc phóng này nằm trong kế hoạch của CHDCND Triều Tiên nhằm xây dựng một nhà nước vững mạnh và thịnh vượng.

Thêm tín hiệu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1

Tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Tuy nhiên, cũng giống như lần phóng tên lửa hồi tháng 4 năm nay, động thái này của CHDCND Triều Tiên ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế. Mỹ và Hàn Quốc cho rằng đó thực sự là một vụ thử nghiệm phi đạn trá hình, bị cấm theo các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc. Washington tuyên bố bất cứ vụ phóng “vệ tinh” nào của Bình Nhưỡng cũng là một hành động khiêu khích cao độ đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực. Hàn Quốc cảnh báo sẽ đưa CHDCND Triều Tiên ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và gây áp lực để có các biện pháp trừng phạt mới. 

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon kêu gọi Bình Nhưỡng xem lại quyết định và ngưng lại mọi hành động liên quan đến chương trình phi đạn đạo. Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng Bình Nhưỡng thực hiện kế hoạch này có thể gây tác động tiêu cực tới các nỗ lực quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngay cả đồng minh chính của CHDCND Triều Tiên là Trung Quốc cũng gia tăng áp lực ngoại giao bằng việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cảnh báo Bình Nhưỡng phải “hành động một cách thận trọng” và không tiến hành những bước làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

Thêm tín hiệu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 2

Hình ảnh khu vực có bệ phóng tên lửa của Triều Tiên chụp từ vệ tinh. Ảnh: Yonhap

Không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố, trong vài ngày gần đây, phản ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã gia tăng mạnh mẽ khi quân đội các nước này bắt đầu triển khai vũ khí quân sự hiện đại ở khu vực. Quân đội Hàn Quốc hôm qua cảnh bảo, họ đã triển khai 1 thiết bị radar cảnh báo tên lửa mới với mục tiêu bảo vệ lãnh thổ trước nguy cơ tấn công của CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đang cân nhắc triển khai hệ thống diệt tên lửa PAC-2, phòng trường hợp tên lửa của CHDCND Triều Tiên bay chệch hướng. Trong khi đó, Nhật Bản đưa tên lửa "Patriot" đến căn cứ quân sự Okinawa. Mỹ triển khai tại căn cứ không quân ở Okinawa máy bay trinh sát chiến lược điện tử. Tàu khu trục của Nhật Bản trong hệ thống "Aegis" được định hướng để kiểm soát vùng trời Đông Trung Quốc, Nhật Bản và biển Hoàng Hải. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ phá hủy tên lửa nếu nó bay qua không phận nước này. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đều đã lên kế hoạch hợp tác chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến của vụ việc và có ứng phó kịp thời.

Thêm tín hiệu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 3

Đường biên giới phân định trên bộ và trên biển giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: BBC

Những diễn biến căng thẳng ở khu vực này đã thực sự gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, chưa có một dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch của mình. Nhiều chuyên gia dự đoán, vụ việc diễn ra trong bối cảnh cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đang chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ 2, sẽ gây tác động xấu cho quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với các nước vốn bị coi là thù địch với nước này. Rõ ràng, khoảng cách ngắn ngủi giữa hai lần phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên chứng tỏ, mọi nỗ lực ngoại giao phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã và đang lâm vào bế tắc.

Chưa biết hậu quả của vụ việc sẽ đi tới đâu nhưng nó có thể xóa nhòa mọi cố gắng tìm kiếm giải pháp hoà bình trên bán đảo Triều tiên mà các bên cố công xây dựng trong thời gian qua./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu