Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và những thách thức nội tại, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt 6,42% là rất ấn tượng. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực lớn từ phía chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, đồng thời khẳng định tính đúng đắn trong chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam.
Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng - Ảnh minh họa: Đức Nghĩa/TTXVN |
Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi được một nửa chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định.
Những kết quả thuyết phục
Về tổng quan, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam tiếp tục theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước. Mức tăng GDP 6 tháng qua đạt 6,42% là mức tăng cao thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ sau mức tăng của 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng qua đạt 7,54% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động, giá trị xuất siêu ước tính đạt trên 11,6 tỷ USD cho thấy nhịp phục hồi tích cực của nền kinh tế. Đáng chú ý, công nghiệp sản xuất gắn với xuất khẩu, cỗ máy tăng trưởng chính của Việt Nam, đã phục hồi. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh, kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu then chốt tăng theo, nhất là khối doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát của các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang dai dẳng, lãi suất đang ở mức cao, sức cầu của nền kinh tế thế giới không có đột biến, Việt Nam vẫn giữ được nhịp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất tốt. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% là mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm của 5 năm gần đây. Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học kinh tế quốc dân, nhìn nhận: "Cách đây 4-5 tháng, nhiều người nghĩ về bầu không khí khá ảm đạm về nền kinh tế Việt Nam. Đến nay thì đã có nhiều khởi sắc. Tôi cho rằng GDP năm nay có thể đạt được 6,5-6,8%".
Kết quả kinh tế nửa đầu năm khởi sắc cũng được phản ánh trong cuộc khảo sát của Tổng cục Thống kê, ghi nhận có 73,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I năm nay.
Chính sách điều hành thống nhất, xuyên suốt
Các nhà lãnh đạo Việt Nam xác định cùng với việc giữ vững ổn định chính trị, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đóng vai trò trọng tâm trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Quá trình phục hồi của nền kinh tế thời gian qua đã thể hiện dấu ấn đậm nét của những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương.
Dấu ấn đó là những hành động kịp thời giải quyết những vấn đề "nóng," tháo gỡ các rào cản nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội nhằm thực hiện nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm cao nhất vượt qua mọi thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong năm 2024.
Việc nỗ lực trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không, góp phần tạo không gian phát triển mới, khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp mới, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa.
Thủ tướng cùng các Tổ công tác của Chính phủ đã thường xuyên có các chuyến đi thị sát, kiểm tra và đốc thúc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên khắp cả nước. Đây không chỉ là sự động viên, cổ vũ về tinh thần đối với đội ngũ cán bộ, công nhân lao động trực tiếp trên các công trường, mà Thủ tướng còn đưa ra các chỉ đạo, định hướng kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nhất là trong các vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, xử lý khó khăn về nguồn vật liệu…
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học kinh tế quốc dân, cho rằng: "Sự điều hành kinh tế của chúng ta đạt kết quả tốt. Đặc biệt là những chính sách liên quan đến giảm lãi suất, kích thích tổng cầu, chính sách liên quan đến đầu tư công, tăng cường liên kết".
Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, bà Nguyễn Thị Hương, cho biết: "Việc kết nối cung cầu, thúc đẩy cầu trong nước và giữ được cầu quốc tế đang lên cao. Đó là những lợi thế. Chúng ta kết hợp hài hòa chính sách để đảm bảo ổn định vĩ mô và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn sẵn có của Nhà nước là vốn đầu tư công, đưa vào thực hiện tối đa".
Dư địa để duy trì một tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt trong năm 2024 là hiện hữu. Việc điều hành kịp thời của Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục được duy trì sẽ giúp phát huy các nhân tố tích cực, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển của cả năm nay.