Thách thức của Venezuela trên con đường thực hiện mục tiêu dân chủ, tiến bộ xã hội

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Thực trạng kinh tế mà quốc gia dầu mỏ này đang phải đối mặt, cùng với các cuộc biểu tình do phe đối lập phát động, đang là phép thử cho chính quyền của Tổng thống N.Maduro.

(VOV5) - Một năm sau ngày cố Tổng thống Hugo Chavez ra đi, đất nước Venezuela lại trải qua giai đoạn sóng gió khi biểu tình và bất ổn đang lan rộng trên phạm vi cả nước. Giữa lúc nền kinh tế nước này đang gặp vô vàn khó khăn, nhiệm vụ ổn định tình hình đất nước của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro càng trở nên thách thức hơn bao giờ hết. 

Thách thức của Venezuela trên con đường thực hiện mục tiêu dân chủ, tiến bộ xã hội - ảnh 1
Tổng thống Nicolas Maduro (Ảnh: Internet)


Những cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất kể từ sau làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống năm 2011, kéo dài gần 1 tháng qua trên khắp đường phố thủ đô Caracas và nhiều thành phố lớn của Venezuela. Đáng lo ngại là xuất hiện các cuộc biểu tình có sự tham gia đông đảo của lực lượng sinh viên, điều chưa từng có tiền lệ ở quốc gia Nam Mỹ này. Những người chống Tổng thống N.Maduro cho rằng chính những chính sách của Đảng cánh tả đã gây ra 15 năm lạm phát cao, sự thiếu hụt hàng hóa chủ lực trong sản xuất, tỷ lệ tội phạm tăng cao, gây bất ổn đời sống xã hội. Nguy hiểm là các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực, có đổ máu và thương vong.


Nguy cơ bất ổn đến từ những khó khăn kinh tế


Thực tế, nguyên nhân của các cuộc biểu tình này một phần xuất phát từ sự sa sút của nền kinh tế Venezuela. Quốc gia Nam Mỹ này đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế khi lạm phát tăng cao hơn 56% trong năm 2013, đồng nội tệ mất giá, dự trữ ngoại hối suy giảm. Dù là nước có trữ lượng dầu mỏ vào hàng lớn nhất thế giới, song do thiếu đầu tư vào khai thác sản xuất khiến sản lượng dầu của nước này trong một thập kỷ trở lại đây giảm đáng kể. Ngành kinh tế mũi nhọn này đã không thể tạo ra được doanh thu đủ để trang trải các chương trình trợ giá của chính phủ.


Phép thử đối với Tổng thống Nicolas Maduro


Nhìn lại suốt 14 năm nhiệm kỳ cầm quyền của cố Tổng thống Hugo Chavez, có thể thấy đất nước Venezuela đã đạt được những thành tựu to lớn, cải thiện sinh kế người dân. Tỷ lệ nghèo đói giảm còn 6% trong năm 2012 và nước này xếp hạng thứ 71 trên tổng số 187 quốc gia về chỉ số phát triển con người trên thế giới. Đạt được những thành tựu này, Venezuela nhờ vào chính sách sử dụng lợi nhuận từ dầu mỏ để cải thiện cuộc sống người dân. Tuy nhiên, khi sản lượng dầu mỏ dần thu hẹp, Venezuela cần phải có những cải cách nhằm phát triển kinh tế thay thế nguồn năng lượng này. Đây rõ ràng là những thách thức mà chính phủ đương nhiệm phải gánh vác.


Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng Bolivar


Bất chấp tình trạng căng thẳng hiện nay, giới phân tích khu vực và phương Tây đều cho rằng dù đã tổ chức được hàng lọat các cuộc biểu tình lớn trong suốt 1 tháng qua, song dường như rất khó để phe đối lập ở Venezuela tạo ra được một cuộc cách mạng. Lý do cơ bản là phe này vẫn chưa tạo dựng được một nền tảng ủng hộ rộng rãi trong dân chúng, cũng như không có sự đồng thuận cần thiết trên cơ sở một chiến lược chung nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.


Mặc dù không thể ngăn cản các cuộc biểu tình theo luật định, song đương kim Tổng thống N. Maduro khẳng định Cách mạng Bolivar vẫn tiến lên phía trước cho dù việc lãnh đạo phe đối lập kêu gọi hàng nghìn người tiếp tục biểu tình cho đến khi ông từ chức. Chính phủ Venezuela cũng kiên quyết xử lý nghiêm khắc những hành động lợi dụng quyền dân sự và tự do để gây bạo loạn, đập phá tài sản công cộng. Tổng thống Nicolas Maduro còn đề nghị Quốc hội mở cuộc điều tra về âm mưu lật đổ chính quyền. Một Ủy ban sự thật sẽ tập hợp, phân tích các bằng chứng hiện có về việc lực lượng cánh hữu tại Venezuela được sự hậu thuẫn của các thế lực chống phá bên ngoài âm mưu tiến hành đảo chính. Song song với các biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang, chính phủ Venezuela tiếp tục triển khai những chính sách mới nhằm đối phó với tình hình kinh tế khó khăn trong nước, như ưu tiên đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, thuốc men cho người dân trong thời gian tới.


Trở thành người người kế nhiệm ông Hugo Chavez sau khi chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử vào tháng 4 năm ngoái trước ứng viên phe đối lập Henrique Capriles, Tổng thống N.Maduro luôn cam kết đẩy mạnh các chương trình cải cách xã hội, trung thành theo đuổi con đường của cố Tổng thống Chavez với Cách mạng Bolivar và chủ nghĩa xã hội ở Venezuela. Thực trạng kinh tế mà quốc gia dầu mỏ này đang phải đối mặt, cùng với các cuộc biểu tình do phe đối lập phát động, đang là phép thử cho chính quyền của Tổng thống N.Maduro, buộc nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này có những biện pháp cải cách cấp bách nền kinh tế trong nước. Đẩy lùi làn sóng biểu tình, tạo môi trường chính trị ổn định, vực dậy nền kinh tế không chỉ tạo dựng niềm tin cho người dân, mà còn là cơ hội để Tổng thống N.Maduro tiếp tục theo đuổi con đường thực hiện mục tiêu “dân chủ và tiến bộ xã hội” mà người tiền nhiệm Hugo Chavez để lại./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu