Tết Việt Nam: Tết của hội ngộ, Tết của đoàn viên

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5)- Toàn thể người dân Việt Nam đang sống trong niềm vui, sự hạnh phúc của những ngày đầu xuân mới. Nhiều người nước ngoài, trong đó có các Đại sứ đang công tác tại Việt Nam, dù xa người thân nhưng vẫn cảm nhận được sự đầm ấm, sum vầy bên những người bạn Việt Nam khi Tết đến, xuân về.

(VOV5)- Toàn thể người dân Việt Nam đang sống trong niềm vui, sự hạnh phúc của những ngày đầu xuân mới. Nhiều người nước ngoài, trong đó có các Đại sứ đang công tác tại Việt Nam, dù xa người thân nhưng vẫn cảm nhận được sự đầm ấm, sum vầy bên những người bạn Việt Nam khi Tết đến, xuân về.

 

Tết Việt Nam: Tết của hội ngộ, Tết của đoàn viên - ảnh 1

Các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã từng đặt chân tới nhiều quốc gia, trải nghiệm nhiều các lễ, Tết tại các vùng đất khác nhau trên thế giới. Thế nhưng với các vị Đại sứ, Tết cổ truyền của Việt Nam thật đặc biệt, luôn khiến họ nhớ mãi.


Tết cổ truyền đậm bản sắc dân tộc Việt Nam
Năm nay là lần thứ 12 Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama được trải nghiệm Tết cùng những người bạn Việt Nam. Cách đây 33 năm, Đại sứ được đón cái Tết đầu tiên ở Việt Nam khi còn là một du học sinh và ấn tượng về cái Tết đó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông với không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân. Đất nước Việt Nam đang phát triển, hình thức tổ chức Tết cổ truyền dù đã có những thay đổi, nhưng với Đại sứ Saadi Salaman, bản sắc Tết của Việt Nam vẫn không thay đổi, những nét văn hóa đẹp của ngày Tết vẫn được người dân gìn giữ trong ngày Tết như: hái lộc xuân, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ… Nhiều năm được đón Tết cổ truyền của Việt Nam, vị Đại sứ đã đúc kết rằng Tết Việt Nam có thể gói gọn trọng 8 chữ “Gắn kết – Đoàn kết – Nhân ái – Vị tha”. Ông Saadi Salama giải thích:  “Hai chữ đầu tiên là "gắn kết". Người Việt Nam vào ngày Tết người ta gắn kết với nhau, dù ở đâu thì vẫn muốn về quê, về với gia đình để đón Tết cùng nhau. Hai chữ thứ 2 là "đoàn kết". Cả dân tộc Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam đều cùng tổ chức ngày vui, đón 1 năm mới và tiễn năm cũ. Thứ 3 là "nhân ái". Người Việt Nam là một cộng đồng nhân ái. Đến Tết thì họ đến chúc nhau, đi thăm hỏi nhau. mừng tuổi và chúc nhau năm mới nhiều thành công, hạnh phúc và rất nhiều may mắn. Còn 2 chữ cuối cùng là "vị tha". Người Việt Nam có một truyền thống vị tha, sẵn sàng xóa bỏ tất cả những gì đã xảy ra trong mối quan hệ giữa người Việt Nam với nhau và thậm chí giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.”

Đây là lần đầu tiên Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam, bà Kgomostso Ruth Magau được đón Tết cổ truyền của Việt Nam, do vậy Tết Việt đối với bà có rất nhiều điều mới mẻ, lạ lẫm. Những giai điệu, khúc ca mừng xuân tươi vui, rộn rã tại buổi tiệc mừng xuân gặp mặt các Đại sứ tại Việt Nam, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, là điều Đại sứ Nam Phi rất thích thú. Nhịp tay theo bài hát chào xuân mới, Đại sứ Kgomostso Ruth Magau hồ hởi: “Tôi được thấy cảnh mọi người chuẩn bị cho ngày lễ lớn. Trong dịp Tết, các đường phố được trang trí rất đẹp, mọi người đều háo hức trông chờ. Tất cả đều thật thú vị.”


Mọi người gần nhau hơn, Xuân sum họp mọi người
Nếu như ở nhiều nước, người dân thường đón năm mới bằng việc đi du lịch, tìm cho mình một không gian riêng để nghỉ ngơi, tận hưởng sự riêng tư thì người dân Việt Nam lại khác. Tết đến, ghé thăm bất cứ gia đình nào Việt Nam cũng có thể cảm nhận được không khí tươi vui, rộn ràng tiếng trò chuyện. Mọi người cùng quây quần bên mâm cơm, kể cho nhau nghe những chuyện vui để năm mới tràn ngập những tiếng cười những niềm vui. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Mayerfas cho biết: “Tôi thấy thú vị nhất là mời bạn bè đến nhà ăn cơm, một không khí rất đầm ấm. Đó là điều mà tôi thấy thích nhất trong ngày Tết của Việt Nam.”   

Tết Việt Nam: Tết của hội ngộ, Tết của đoàn viên - ảnh 2


Các vị Đại sứ cũng như những người bạn nước ngoài khi đến với Việt Nam dường như cũng háo hức chờ đón dịp Tết đến, Xuân về. Bởi với họ, những trải nghiệm Tết luôn là điều thú vị. Những ánh nhìn tràn ngập niềm vui, sự hạnh phúc, những nụ cười thân thiện của người dân Việt Nam trong ngày xuân mới luôn khiến ông Mazi Matthias Ojih Okafor, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nigeria tại Việt Nam, cảm thấy ấm lòng. Vào ngày Tết, Đại sứ đặc biệt thích tặng quà, mừng tuổi cho bạn bè và người thân, giống như phong tục người Việt. “Tết là một dịp tuyệt vời để mọi người thể hiện sự quan tâm của mình nhiều hơn tới những người thân, bạn bè của họ. Trong những ngày Tết, tôi cũng tới thăm hỏi những người bạn, ra ngoài đường và tận hưởng không khí Tết, tới những nơi vui chơi giải trí thú vị. Ngày Tết tôi cũng đạp xe tới nhà thờ. Tôi thích tận hưởng những ngày Tết theo cách này.”


Những ước vọng nhân mùa Xuân mới
Những thành công của ngành ngoại giao Việt Nam năm qua, ngoài những nỗ lực của các bộ, ngành Việt Nam, không thể thiếu được sự ủng hộ, trợ giúp nhiệt tình của các vị Đại sứ. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, nhắn gửi:  “Nhân dịp Tết này xin chúc nhân dân Việt Nam tiếp tục con đường xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh. Chúc cho mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Palestine trên tất cả các lĩnh vực ngày càng được củng cố và phát triển. Chúc cho mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới phát triển vì lợi ích chung, vì hòa bình chung.”

Vui mừng trước những thành công của Việt Nam trong năm 2013, Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tại Việt Nam, ông Kim Chang Il chúc:“Chúc chính phủ và người dân Việt Nam một năm thành công, đạt được mục tiêu công nghiệp hóa đất nước đến năm 2020. Chúc mọi người một năm thật hạnh phúc và quan hệ giữa 2 nước chúng ta sẽ phát triển hơn nữa trong năm mới.”

Xuân rộn ràng, Tết ấm áp tình yêu thương là một trong những lý do Tết cổ truyền của Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu thích. Giống như mọi gia đình Việt Nam, các Đại sứ cũng sắm những cành đào thắm, những cây quất trĩu quả, mong một năm mới Giáp Ngọ tràn đầy sức sống và may mắn./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu