Tạo đột phá trong việc phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất

Chia sẻ
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ở Việt nam được tổ chức cuối tuần qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu trong thời gian tới các ngành, các địa phương cần tập trung vào các khâu đột phá để đến năm 2015, 3 mô hình kinh tế này đóng góp khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu cho người lao động, hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng vào năm 2020.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ở Việt nam được tổ chức cuối tuần qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu trong thời gian tới các ngành, các địa phương cần tập trung vào các khâu đột phá để đến năm 2015, 3 mô hình kinh tế này đóng góp khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu cho người lao động, hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng vào năm 2020.

Ghi nhận những lợi ích thiết thực từ việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế trong suốt 20 năm qua đối với nền kinh tế đất nước nhưng nhiều đại biểu tham gia Hội nghị cũng cho rằng Việt nam chưa khai thác hết giá trị sử dụng của 3 mô hình kinh tế này. Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, trong quá trình phát triển, khu công nghiệp, khu chế xuất gặp phải không ít những vướng mắc về chất lượng quy hoạch, chất lượng đầu tư, hiệu quả sử dụng đất, huy động nguồn lực đầu tư phát triển...Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này, trong đó một nguyên nhân quan trọng là chính sách về khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn nhiều điểm chưa đồng bộ. Do đó để thực hiện chủ trương phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất bền vững và theo chiều sâu được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng XI năm 2011, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, xây dựng các khu công nghiệp liên kết ngành, khu công nghiệp chuyên dành cho các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam gắn với cơ chế, chính sách riêng để nâng cao giá trị kinh tế của các khu công nghiệp. “Đối với khu kinh tế thì chọn ra một khu kinh tế trọng điểm quốc gia mang tính chất liên vùng để đầu tư dứt điểm rồi các khu công nghiệp, khu chế xuất khác cũng như vậy, phải rà soát quy hoạch để phân kỳ đầu tư cho hợp lý nhất, hiệu quả nhất còn những đất chưa sử dụng thì chuyển mục đích sử dụng. Trước mắt, Bộ tổ chức  thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, vùng TP HCM…Thứ hai là tới đây sẽ nghiên cứu để hoàn chỉnh cơ chế chính sách , những cơ chế chính sách đang là rào cản khiến chúng ta không có sức cạnh tranh so với khu vực.”, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh nói.

Bên cạnh đó, cũng theo lãnh đạo Bộ kế hoạch và đầu tư, tới đây, các ngành có công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường sẽ được tập trung thu hút; phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, tăng cường tính liên kết ngành trong khu công nghiệp, khu chế xuất để nâng cao tính cạnh tranh và đóng góp của khu công nghiệp, khu chế xuất vào phát triển kinh tế vùng.

 Tạo đột phá trong việc phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất - ảnh 1
KCN Hòa Hiệp thu hút được nhiều lao động. Nhân hạt điều sản xuất tại KCN chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh - Ảnh: N.TRƯỞNG

Để tăng khả năng khai thác và hiệu quả đầu tư của khu công nghiệp, khu chế xuất, một vấn đề quan trọng cần chú ý là các địa phương cần đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật gắn kết với các khu đô thị, dịch vụ phục vụ người lao động trong các khu công nghiệp. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố HCM, địa phương có tổng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước,  cho biết: “Xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội gắn kết với cơ sở hạ tầng khu công nghiệp là yếu tố rất quan trọng ví dụ như một khu công nghiệp quy mô bình quân 300ha thì bình quân là 30 ngàn lao động mà chúng ta không có cơ sở trường học, y tế, trung tâm thương mại, không có khu vui chơi giải trí, nhà ở … thì rất phức tạp. Vì vậy, tới giai đoạn này, trong chiến lược phát triển quy hoạch các khu công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch các khu đô thị để làm sao gắn kết , phục vụ công nhân.”

Hiện nay, Việt Nam chuẩn bị ký hàng loạt Hiệp định tự do thương mại với các đối tác nên cùng với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật phù hợp với tình hình mới, nhất là về quy hoạch và chính sách ưu đãi, vấn đề quan trọng là các địa phương cũng phải cùng chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư. Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam, chia sẻ kinh nghiệm. “Quan điểm của Quảng Nam là không để nhà đầu tư và dân xung đột với nhau. Trong cách làm, chúng ta cũng phải làm theo hướng cuốn chiếu. Vì trong khu kinh tế đã quy hoạch đâu là khu công nghiệp nên chúng ta làm đến đâu dứt điểm đến đó. Căn cứ vào lượng vốn mà chúng ta giải phóng mặt bằng, không giải phóng mặt  bằng tràn lan, dẫn đến lãng phí đất.”

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, theo thống kê, các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã đóng góp 32% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, nộp ngân sách tăng so với giai đoạn trước gần 6 tỷ USD. Thành quả này cùng với việc các bộ, ngành và địa phương đang từng bước giải quyết những vướng mắc trong phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc xây dựng mô hình mang tính đột phá trong thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu