Tăng cường quan hệ Việt Nam-Ba Lan

Bộ Ngoại giao Việt Nam
Chia sẻ
(VOV5) - Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan (the Republic of Poland) Andrzej Duda và Phu nhân tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 27 - 30/11/2017. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Andrzej Duda mở ra một trang mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương.

Tăng cường quan hệ Việt Nam-Ba Lan - ảnh 1 Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda đồng chủ trì họp báo, thông báo kết quả hội đàm.

Cộng hòa Ba Lan (Republic of Poland), nằm ở Trung Âu, theo mô hình nhà nước cộng hoà nghị viện – tổng thống. Thời gian qua, Ba Lan kiên định thực hiện chính sách tự do hóa kinh tế, là nước xếp thứ 20 về GDP trên thế giới và là nền kinh tế đứng thứ 6 Liên minh Châu Âu.

Việt Nam và Ba Lan lập quan hệ ngoại giao ngày 04/2/1950. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống phát triển trên tất cả các lĩnh vực

Trong những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Ba Lan phát triển tích cực, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung Đông Âu, Việt Nam là bạn hàng thứ 7 của Ba Lan ngoài EU. Việt Nam xuất sang Ba Lan chủ yếu hàng dệt may, thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo, nông sản, điện thoại, hàng điện tử... và nhập khẩu từ Ba Lan sữa bột, tân dược, hoa quả, thiết bị cho ngành than, đóng tàu, phế liệu thép... Kim ngạch thương mại những năm qua tăng khá nhanh. Cụ thể, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 790 triệu USD. 9 tháng của năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 730 triệu USD.

Về đầu tư, trong 3 năm 2014-2017, đầu tư của Ba Lan vào Việt Nam tăng gấp hai lần chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản (Làng Việt kiều Châu Âu), chế biến (VIFON), dịch vụ (Hạ Long Plaza). Tính đến tháng 10/2017, Ba Lan có 14 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 182 triệu USD.

Về hợp tác giáo dục – đào tạo, văn hóa, trong khoảng những năm từ 1960-1990, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu. Những năm gần đây, số lượng học sinh du học tự túc sang Ba Lan có chiều hướng tăng. Một trong những công trình hữu nghị giữa hai nước còn hoạt động là trường PTTH Việt – Ba tại Hà Nội. Hiện mỗi năm, Ba Lan cấp cho Việt Nam 10 suất học bổng đại học và trên đại học; Việt Nam cũng tiếp nhận 10 sinh viên Ba Lan sang Việt Nam thực tập (trong 10 tháng). Hiện hai bên đã thống nhất nội dung dự thảo Thỏa thuận giáo dục mới để ký nhân chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lần này, trong đó nhất trí tăng số lượng học bổng lên 20 suất/1 năm.

Về hợp tác quốc phòng, Việt Nam và Ba Lan đã ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2010. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, Tháng 10/2010, Ba Lan cử Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Hà Nội. Tháng 9/2014, Việt Nam cũng đã cử Tùy viên Quốc phòng thường trú ở Ba Lan.

Hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 40.000 người, đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực, một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính. Những năm gần đây, số lượng người Ba Lan tại Việt Nam cũng tăng mạnh, tập trung ở TP Hồ Chí Minh (khoảng hơn 100 người), chủ yếu là nhân viên các công ty đa quốc gia và một số người Ba Lan lấy vợ, chồng là người Việt đang sinh sống tại đây.

Chuyến thăm tạo động lực mới

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan tới Việt Nam khẳng định Ba Lan coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và có lợi ích, nhất là về tài chính, giáo dục - đào tạo, truyền thông, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp... đặc biệt là thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng. Chuyến thăm còn tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu thị trường, tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của nhau. Nhân dịp này, hai bên trao đổi thông tin, các biện pháp phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu